Lễ hội Làm Chay - Bảo tồn những giá trị truyền thống
Đã thành thông lệ, vào 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch, người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cùng các địa phương trong và ngoài tỉnh lại náo nức đón "cái tết thứ 2" - Lễ hội Làm Chay. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất tỉnh Long An, là nơi hội tụ các yếu tố, nét đẹp văn hóa dân gian mang đậm tính cộng đồng, làng xã của người dân từ xưa đến nay.
Không khí náo nhiệt tại Lễ hội Làm Chay
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Làm Chay – Nguyễn Dương Phong Linh, Lễ hội Làm Chay mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, nghĩa sĩ yêu nước đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Người dân dâng hương, viếng mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Tự
Lịch sử Đình Tân Xuân có ghi, trước đây, khi thực dân Pháp chiếm Tầm Vu, các cuộc khởi nghĩa liên tục nổi lên nhưng đều bị đàn áp dã man, nhiều nghĩa sĩ ngã xuống, trong đó 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong.
Sau khi 2 ông mất, thực dân Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương hòng uy hiếp tinh thần nhân dân. Với lòng tiếc thương 2 nhà yêu nước nói riêng cũng như các nghĩa sĩ trận vong nói chung, nhân dân Tầm Vu tổ chức lễ cúng với hình trức trai đàn, cầu an cho bá tánh. Về sau, người dân gọi chệch “làm trai đàn” thành làm chay. Cái tên Lễ Hội làm chay ra đời từ đó.
Về Tầm Vu những ngày sau Tết Nguyên đán, không khí bắt đầu náo nức, rộn ràng bởi người dân nơi đây bắt đầu tất bật chuẩn bị cho “cái tết thứ 2”. Để chuẩn bị cho lễ hội từ trước Tết Nguyên đán, Ban Tổ chức thành lập các tiểu ban triển khai dựng Đài Liệt sĩ, làm ghe phóng sinh, làm cỗ bánh, ghe phóng đăng, xe hoa,…
Lễ Hội Làm Chay là ngày hội của cộng đồng. Vì vậy, không ai bảo ai, người dân nơi đây ai nấy đều thấy mình có trách nhiệm chung tay góp sức.
Các cỗ bánh phụng cúng được trang trí sặc sỡ
Hầu như xã nào ở Châu Thành cũng có một cỗ bánh làm lễ vật phụng cúng. Tùy theo điều kiện mà người góp của, người góp công để cùng nhau thực hiện. Đến ngày chánh hội, các cỗ bánh được mang đến Đình Tân Xuân, trước là để cúng thần, sau là để du khách chiêm ngưỡng và chia cho mọi người cùng thưởng thức, lấy lộc đầu năm.
Chị Lê Thị Linh Đào (ngụ ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Lễ hội Làm Chay như là niềm tin của người dân Tầm Vu nói riêng, Châu Thành nói chung. Đến với Lễ hội Làm Chay, tôi cầu mong hạnh phúc, sức khỏe cho gia đình và một năm mới nhiều may mắn”.
Lễ hội chính thức bắt đầu từ việc rước Tiêu Diện Đại Sĩ về chùa Ông
Diễn ra từ ngày 14 đến đêm 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, lễ chính thức bắt đầu từ việc rước Tiêu Diện Đại Sĩ mà dân gian thường gọi là Ông Tiêu. Ông Tiêu chính là biểu tượng của Lễ Hội làm Chay. Tiêu Diện có nghĩa là “mặt xám”, theo truyền thuyết, Ông Tiêu là hóa thân của Bồ tát Quan Thế Âm trừ ma diệt quỷ, mặc áo giáp, đầu có sừng, gương mặt dữ tợn, đặc biệt là có chiếc lưỡi rất dài.
Tại lễ rước Ông Tiêu, quãng đường từ chùa Linh Phước đến chùa Ông không xa, nhưng việc rước Ông Tiêu lại mất khá nhiều thời gian do người dân chen nhau đến để xem Ông Tiêu, dù hình ảnh này đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, chứng kiến sự có mặt của Ông Tiêu trong lễ hội giúp họ có thêm niềm tin về cuộc sống bình yên và no ấm.
Nghi thức Chiêu u tại Lễ hội Làm Chay
Sau khi rước ông Tiêu, ngay trong buổi chiều, Lễ hội chính thức khai mạc. Lễ Hội làm Chay có khá nhiều nghi thức như Khai kinh cầu an, cúng tế liệt sĩ, chiêu u, đánh động, thỉnh kinh, diễu hành xe hoa, xô giàn đốt Ông Tiêu,… Nghi thức quan trọng nhất, lễ xô giàn đốt Ông Tiêu được tiến hành vào nửa đêm 16 Âm lịch. Sau đó, toàn bộ lễ vật người dân phụng cúng được đem chia cho mọi người. Mỗi nghi thức mang một ý nghĩa riêng nhưng các lễ này đều quy về 2 mục đích là cầu an và cầu siêu. Cầu an cho cộng đồng và cầu siêu cho những người đã khuất.
Tham gia Lễ hội Làm Chay, du khách không chỉ cảm nhận được sự thiêng liêng, thành kính, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc; sự tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc mà còn cảm nhận được tình cảm nồng nàn, đôn hậu, ai cũng niềm nở, cùng nhau chia sẻ niềm vui không hề có khoảng cách lạ, quen. Từ đó, có thể thấy rằng, dù xã hội có phát triển như thế nào chăng nữa, những giá trị truyền thống, tình cảm đoàn kết, ấm áp của dân tộc ta vẫn mãi được bảo tồn./.
Thanh Hiểu - Phạm Ngân
- Sẽ có 10 hoạt động nổi bật được tổ chức tại Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 (22/11)
- Tăng cường tuyên truyền về Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 (22/11)
- Những 'địa chỉ đỏ' trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (22/11)
- Góc ảnh 'Long An quê hương tôi': Giăng câu (22/11)
- Hà Giang ơi sao mà yêu thế! (22/11)
- 6,2 triệu USD cho tác phẩm quả chuối dán tường tại phiên đấu giá của Sotheby’s (22/11)
- Trải nhiệm đón 'tuyết rơi' giữa Long An (20/11)
- Biển, rừng Phú Quốc đẹp lộng lẫy từ những góc nhìn trên cao (20/11)