Tiếng Việt | English

30/05/2022 - 09:39

Lịch sử nên là môn lựa chọn hay bắt buộc?

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, ở cấp THPT, Lịch sử là môn lựa chọn, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội. Việc đưa Lịch sử vào môn lựa chọn được dư luận đặc biệt quan tâm và có những ý kiến trái chiều trong xã hội.

Từ năm học 2022-2023, lớp 10 áp dụng Chương trình GDPT năm 2018 với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS). Theo đó, HS có 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương; 3 nhóm môn học để lựa chọn 5 môn, gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó HS phải chọn ít nhất 1 môn trong các nhóm môn; 2 môn tự chọn là Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc thiểu số.

Theo đó, Lịch sử là môn lựa chọn trong nhóm môn Khoa học xã hội. HS có thể lựa chọn học hoặc không khi bước vào THPT. Có người tỏ ra đồng tình nhưng cũng không ít người bức xúc khi Lịch sử được xếp vào môn lựa chọn bởi học lịch sử là học truyền thống, vun bồi lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ở cấp THPT, Lịch sử là môn lựa chọn, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội

Trao đổi với Báo Long An, GS.TS Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thanh Bình khẳng định, Chương trình GDPT năm 2018 đang đi đúng hướng với thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc đưa môn Lịch sử là môn lựa chọn chưa thuyết phục được công luận. Bởi, Lịch sử Việt Nam rất đặc biệt, đó là quá trình bảo vệ dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân, rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã đứng lên, hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước. Đó là tình cảm của cả dân tộc. Do vậy, các thế hệ hôm nay, mai sau phải biết, hiểu lịch sử dân tộc. Thế nhưng, hiện nay, chất lượng giáo dục môn Lịch sử vẫn chưa như mong muốn. Và việc đưa Lịch sử là môn lựa chọn làm xã hội lo ngại hơn.

Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình, độ tuổi HS THPT sẽ có tư duy cao, đủ khả năng nhìn nhận, phân tích, thấu hiểu những bài học lịch sử, giúp khơi gợi mạnh mẽ hơn tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Do vậy, Lịch sử nên là môn bắt buộc ở cấp THPT trong Chương trình GDPT năm 2018.

Có con đang chuẩn bị vào lớp 10, anh Trần Văn Cường (phường 4, TP. Tân An) rất quan tâm Chương trình học môn Lịch sử ở Chương trình GDPT năm 2018. Theo anh Cường, môn nào cũng có thể đưa vào môn lựa chọn nhưng môn Lịch sử thì không phù hợp bởi lịch sử gắn liền với quan điểm, đường lối của Đảng, quá trình đấu tranh bất khuất của nhân dân và mỗi người dân Việt Nam phải biết lịch sử dân tộc. Trong tác phẩm nổi tiếng Lịch sử nước ta, Bác Hồ có 2 câu thơ: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam để thấy rằng Lịch sử là môn học vô cùng quan trọng.

Anh Cường chia sẻ: “Đối với các môn học khác, HS lựa chọn có thể đi học thêm để biết nhưng môn Lịch sử không ai dạy thêm và có lẽ cũng không HS nào nghĩ đến việc học thêm lịch sử nên không lựa chọn trong trường THPT. Vậy, các em có hụt kiến thức lịch sử nếu không lựa chọn không? Trong khi Lịch sử là môn học quan trọng, gắn liền với tinh thần dân tộc”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hồng Phúc cho biết: “Việc đưa Lịch sử vào nhóm môn lựa chọn ở cấp THPT đang gây nhiều tranh cãi. Do vậy, ngày 12-5-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai Chương trình GDPT năm 2018, trong đó, đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí, tổ chức dạy học môn Lịch sử. Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình GDPT năm 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền”.

Lịch sử là môn lựa chọn hay đưa vào môn bắt buộc đang được các cấp có thẩm quyền xem xét để đưa ra phương án phù hợp nhất./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết