Tiếng Việt | English

17/07/2016 - 10:16

Long An chưa ghi nhận trường hợp bạch hầu dương tính từ năm 2008

Hiện nay, người dân rất quan tâm đến tình hình bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh Bình Phước. Để hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu và những biện pháp dự phòng khi có dịch bệnh xảy ra, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh – Bác sĩ (BS) Ngô Văn Hoàng về vấn đề này.

PV: Thưa BS, bệnh bạch hầu là gì và nguy cơ lây nhiễm của bệnh ra sao?

BS Ngô Văn Hoàng: Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu; hoặc lây qua do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

PV: Hiện tại, nguy cơ mắc dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Long An ra sao, thưa BS?

BS Ngô Văn Hoàng: Từ năm 2008 đến nay, Long An chưa ghi nhận trường hợp bạch hầu dương tính. Những năm gần đây, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin 5 trong 1 (Quinvaxem) đã có phòng bệnh bạch hầu. Đây là vắc-xin phối hợp ngừa cùng lúc 5 loại bệnh có khả năng gây tử vong hoặc tàn tật gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib (viêm phổi - viêm màng não mủ do Haemophyllus influenza type B).

Tại tỉnh ta, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm có trên 93% trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đã được tiêm ngừa bạch hầu. Ngoài ra, từ năm 2014, 2015, trẻ 18 tháng tuổi còn được tiêm mũi vắc-xin nhắc phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván (vắc xin DPT). Chính vì vậy, mỗi đứa trẻ khi trưởng thành sẽ thụ hưởng được 4 mũi tiêm, bảo đảm miễn dịch bạch hầu.

Tuy nhiên, 7% số trẻ còn lại tích lũy qua nhiều năm là những trẻ không được tiêm chủng nói chung, trong đó có bạch hầu, chính là nguy cơ bùng phát bệnh.

Phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng cần đến trạm y tế xã, phường, thị trấn từ ngày 25 đến 30 hàng tháng để được tư vấn và tiêm ngừa các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có bạch hầu

PV: Vậy ngành Y tế có những phương án gì để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh?

BS Ngô Văn Hoàng: Thuốc sử dụng điều trị bạch hầu vẫn là kháng sinh vì đây là một loại vi trùng. Ngành Y tế đã chuẩn bị kháng sinh để cho uống dự phòng nếu có xảy ra ổ dịch. Ngành cũng tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, rà soát nếu phát hiện sớm sẽ khoanh vùng để xử lý kịp thời.

Hóa chất được chuẩn bị là Cloramin B để khống chế nếu có ổ dịch bùng phát. Nếu có chỉ định tiêm vắc-xin trong vùng dịch sẽ liên hệ với Viện Pasteur để được cung cấp vắc-xin. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường để phòng bệnh.

Theo Công điện Số 858/CĐ-DP ngày 13/7/2016 của Cục Y tế Dự phòng (thuộc Bộ Y tế) về Tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, từ ngày 22/6/2016 đã ghi nhận ổ dịch tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).

Ngày 15/7/2016, UBND tỉnh Bình Phước ký quyết định công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Từ cuối tháng 6 đến nay, Bình Phước có 47 người nghi mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người tử vong.

PV: BS có những khuyến cáo gì để người dân chủ động đề phòng bệnh bạch hầu?

BS Ngô Văn Hoàng: Trẻ em dưới 15 tuổi dễ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu nhưng người lớn cũng có khả năng nhiễm bệnh, nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong cũng có thể xảy ra.

Tiêm ngừa và vệ sinh cá nhân là 2 biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Ngành Y tế khuyến cáo các bà mẹ có con ở độ tuổi tiêm chủng cần đến trạm y tế xã, phường, thị trấn từ ngày 25 đến 30 hàng tháng để được tư vấn và tiêm ngừa các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có bạch hầu. Mọi gia đình cần tăng cường công tác vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh, làm vệ sinh hàng ngày, hàng tuần bằng thuốc sát khuẩn thông thường.

Trẻ lớn và người lớn thì không có vắc xin bạch hầu ngoài cộng đồng, vì vậy cần chú trọng vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. Khi có dấu hiệu ho, đau họng, nuốt đau, sốt,… nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh bạch hầu và những bệnh lý khác.

Đặc biệt, không nên đến những nơi đông người hoặc những vùng có bệnh bạch hầu, hạn chế tiếp xúc người bệnh. Cần mang khẩu trang, rửa tay, vệ sinh sau khi tiếp xúc.

PV: Xin cảm ơn BS về cuộc trao đổi này!

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết