Tiếng Việt | English

05/04/2016 - 21:15

Long An: Còn đó nỗi đau da cam

Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những hậu quả của nó để lại vẫn còn nặng nề với những vết thương hằn sâu chưa thể lành. Nỗi đau âm ỉ, hiện hữu từng ngày trong nhiều gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam quái ác. Đó không chỉ là vết thương thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần cướp đi niềm vui và hạnh phúc của bao gia đình cùng nhiều thế hệ.

 

Hầu hết nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn huyện Đức Hòa gần như sống đời sống thực vật, khiếm khuyết dị tật, thiểu năng về trí tuệ

Toàn huyện Đức Hòa hiện có hơn 850 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin. Hầu như không có đơn vị xã, thị trấn nào trên địa bàn huyện không có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam dioxin, đặc biệt là những xã ven sông Vàm Cỏ Đông.

Không biết đến bao giờ, những người cha, người mẹ của những nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học quái ác ấy được nghỉ ngơi, an lòng khi trong họ luôn đau đáu nỗi lo nếu chẳng may bản thân qua đời thì ai sẽ là người tiếp tục chăm sóc, trông nom những người con mang chất độc quái ác ấy.

Hầu hết nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn huyện Đức Hòa gần như sống đời sống thực vật, khiếm khuyết dị tật, thiểu năng về trí tuệ. Đó là trường hợp của Trần Nhật Linh, 16 tuổi, ngụ xã Tân Phú và Ngô Quốc Dương 26 tuổi, ngụ xã Đức Hòa Hạ.

Cả 2 đều nằm bất động, tay chân teo tóp với chiếc đầu phình to. Linh và Dương từ khi được sinh ra gần như gắn liền cuộc đời và sự sống của mình trên chiếc giường. Không thể nói cười như bao người khác, kể cả nhu cầu thiết yếu là đi vệ sinh và ăn uống, cả 2 cũng không thể nào tự thực hiện. Đôi mắt trong suốt của 2 em gần như vô hồn, không thể giao tiếp với thế giới xung quanh.

Mẹ của Linh cho biết: “Lâu lâu, cháu lại trở bệnh suyễn, việc thở để duy trì sự sống cũng vô cùng khó khăn. Nhiều lần, bệnh trở nặng tưởng chừng như không qua khỏi. Nhìn con mình nằm đó bất động, tim tôi đau như cắt".

Nước mắt gần như cạn khô vì khóc quá nhiều trong từng ấy năm. Không có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau của người mẹ khi chứng kiến hình hài của con mình bị dị tật, bị nỗi đau hành hạ do hậu quả của chất độc da cam gây ra.

Trần Nhật Linh chỉ có thể nằm bất động như thế khi có người đến thăm

Những trái tim sắt đá nhất cũng sẽ bàng hoàng và không thể kiềm lòng trước hình ảnh em Võ Nguyễn Ngọc Như, 13 tuổi, ngụ tại xã Đức Hòa Hạ. Em nằm đó với nụ cười xinh đẹp thường trực trên môi nhưng đôi tay, đôi chân của em lại teo tóp không thể đi lại. Sinh hoạt cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào bà nội.

Mặc dù Như vẫn biết, vẫn hiểu những gì mọi người nói nhưng em không thể đáp trả hoàn toàn bằng ngôn ngữ. Mỗi lần muốn trở mình, em gần như phải dốc toàn bộ sức lực của bản thân. Nhìn sự cố gắng nỗ lực của em, tim những người xung quanh như thắt lại.

Ở tuổi 13 ấy nếu không bị nhiễm chất độc hóa học quái ác, Như sẽ được đến trường, sẽ được tung tăng chạy nhảy, vui đùa như các bạn khác. Nhưng giờ, em chỉ có thể nằm đây với đôi mắt vô hồn, không còn nhìn thấy ánh sáng.

Sự đau khổ tột cùng và dòng nước mắt vẫn mãi tuôn rơi trong các gia đình là nạn nhân của loại chất độc mang tính hủy diệt này. Một trong những minh chứng là gia đình anh Phan Văn Phong và chị Trần Thị Tuyết Hồng, ngụ xã Đức Hòa Hạ.

Những năm trước, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh chị phải đi làm mía ở khu vực vùng kháng chiến cũ, giáp sông Vàm Cỏ Đông, trong nhiều lần vô tình uống nước hố bom nên bị nhiễm chất độc hóa học da cam dioxin.

Hậu quả là cả 4 người con của anh chị khi được sinh ra đều là nạn nhân của chất độc quái ác ấy. 2 người trong số đó đã mất, 2 người con còn lại dù đang sống nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc này. Từ khi được sinh ra đến nay, em Phan Thanh Quốc và Phan Thị Kim cả 2 đang ở tuổi đôi mươi.

Những hình ảnh đau lòng của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam như Linh, Dương, Như hay Kim và Quốc,... chỉ là vài trong số hàng triệu nạn nhân bị phơi nhiễm do chất độc hóa học quái ác gây ra. Những nỗi đau này, hàng triệu gia đình trên đất nước ta đã và đang từng ngày phải gánh chịu.

Chúng ta - thế hệ hôm nay hãy cùng chung tay, góp sức xoa dịu nỗi đau da cam. Đó chính là nguồn động viên lớn giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn, quên đi những mất mát thiệt thòi để hòa nhập với cộng đồng./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết