Long An vươn lên giữ vị trí thứ 3 bảng xếp hạng PCI năm 2020. Ảnh: Anh Huy
Phát triển khu kinh tế công nghệ cao là hướng đi tất yếu
Nhìn lại quá trình thu hút đầu tư của tỉnh Long An trong hơn 20 năm qua, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để thực hiện mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và bứt phá, vươn lên là tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2030.
Những nỗ lực đoàn kết, quyết tâm, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh đã tạo tiền đề then chốt, nền tảng vững chắc để đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thành tựu nổi bật: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,11%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết (9-9,5%); quy mô nền kinh tế dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (GRDP theo giá hiện hành đạt khoảng 132.000 tỉ đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 25,3 tỉ USD, duy trì mức tăng trưởng 12%/năm; thu ngân sách nhà nước hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 12,8%, năm 2020 quy mô thu ngân sách đạt 1,78 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”, đặc biệt năm 2018 và năm 2020 đứng thứ 3 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 đứng thứ 5 toàn quốc. Đến cuối năm 2020, tỉnh có trên 12.000 doanh nghiệp (DN) trong nước hoạt động; thu hút đầu tư nước ngoài trên 1.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 6,6 tỉ USD.
Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh khảo sát địa điểm xây dựng Dự án Điện khí LNG Long An I và II
Song song đó, đời sống văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, kịp thời. Điều đáng phấn khởi là thời gian qua, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng lên, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng, gấp hơn 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1,52%. Công tác quốc phòng - an ninh - nội chính được tăng cường; hoạt động đối ngoại mở rộng, đa dạng.
Đặc biệt, thời gian qua, do có sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của người dân và DN, tỉnh Long An đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến của đại dịch Covid-19, không để xảy ra ca nhiễm ngoài cộng đồng. Từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020, đạt tăng trưởng kinh tế (GRDP) 5,91%, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, hạ tầng KT-XH có bước phát triển mạnh đã góp phần tích cực nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, phát huy vai trò liên kết vùng, tạo tiền đề thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh thu hút đầu tư còn nhiều điều chưa ưng ý, dễ dàng nhận thấy hầu hết DN đầu tư trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, trình độ công nghệ trung bình, một số ít còn lạc hậu, chỉ có một tỷ lệ nhỏ có trình độ công nghệ tiên tiến. Điều này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế còn thấp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế đó, thực hiện khát vọng no ấm của Nhân dân, phát huy kinh nghiệm “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của ông cha ta, tỉnh đã tổ chức đoàn cán bộ, DN đi học tập kinh nghiệm ở những địa phương có kinh tế phát triển, thu hút đầu tư tốt. Sau chuyến đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý trong thu hút đầu tư, phát triển. Chúng tôi nhận thức rằng, muốn phát triển, lãnh đạo tỉnh phải thực sự quyết tâm “dọn ổ cho đại bàng đáp” và sẽ kéo theo đàn “đại bàng con”. Từ đó, hình thành một hệ sinh thái công nghiệp phát triển với trình độ công nghệ tiên tiến, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển tốt sẽ có điều kiện đầu tư cho văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là nâng cao đời sống Nhân dân.
Vận dụng tư duy đó cùng với sự đoàn kết, nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị, trong quí I-2021, tỉnh Long An được ghi nhận là địa phương thu hút đầu tư tốt nhất cả nước. Long An đã thu hút được dự án lớn về LNG của nhà đầu tư GS đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 3,1 tỉ USD; hiện có một số nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đến Long An tiếp tục nghiên cứu đầu tư. Hôm nay, tỉnh tiếp tục phối hợp Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm về định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao với sự quan tâm tham dự của nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Mỹ, Đức và Ấn Độ.
Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, có Cảng Quốc tế Long An, tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Thời gian qua, tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, địa phương, cùng với quỹ đất còn dồi dào, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương thành lập Khu kinh tế ven biển để hình thành vùng kinh tế công nghệ cao của tỉnh. Điều này sẽ mở ra những trang mới trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường
Quyết tâm, nỗ lực của tỉnh rất lớn, thể hiện qua các mục tiêu, nghị quyết, chương trình đột phá, công trình trọng điểm qua các kỳ Đại hội Đảng gần đây. Để hiện thực hóa điều đó, cần yếu tố con người. Trong quá trình phát triển công nghiệp, bên cạnh quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển công nghiệp và chuyển đổi số, tỉnh còn đặc biệt chú ý vấn đề bảo vệ môi trường bền vững. Đây là 2 nhiệm vụ có tính chiến lược và đầy cam go.
Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đảng ta đã khẳng định con người là yếu tố quyết định, là khâu then chốt của then chốt. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công thì phải có “con người số”, “chính quyền số”. Muốn công nghiệp phát triển thì phải có chuyên gia, kỹ sư giỏi, phải có đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn cao. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, Tỉnh ủy Long An đã ban hành Nghị quyết về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải thực sự nêu gương, có ý chí, quyết tâm mạnh mẽ và phải bố trí đủ nguồn lực ngân sách để thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Đoàn cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cùng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu các dự án trọng điểm tại huyện Cần Giuộc vào tháng 3/2021. Ảnh: Mai Hương
Song song đó, tỉnh cũng chủ trương phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi giá. Tất cả dự án lớn, nhỏ đầu tư trên địa bàn đều phải được đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Tỉnh sẽ ưu tiên tiếp nhận những dự án có trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sạch.
Bên cạnh chú trọng việc thu hút đầu tư FDI, tỉnh cũng rất quan tâm thu hút DN trong nước, để tạo sự cạnh tranh hài hòa giữa các DN. Tất cả DN đều được đối xử niềm nở - công bằng - minh bạch, hỗ trợ giải quyết nhanh chóng các thủ tục và được hưởng các cơ chế, chính sách đúng theo quy định pháp luật.
Tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác lập, quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, chú trọng tổ chức lại không gian phát triển một cách hợp lý, phát huy tốt nhất lợi thế liên kết, phát triển của các vùng đô thị, công nghiệp, nông nghiệp.
Tọa đàm: Long An - Điểm đến đầu tư thân thiện và hiệu quả
Tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường sống của người dân; lấy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế làm giải pháp giảm nghèo một cách bền vững, gắn với giải quyết tốt việc làm cho người lao động. Quan tâm các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các điều kiện phát triển và các chính sách an sinh xã hội khác theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; chỉnh đốn, nâng cao văn hóa, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong kiến tạo, phục vụ nhân dân và DN; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước hiệu quả.
Tóm lại; tỉnh sẽ cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật để thu hút đầu tư, qua đó hiện thực hóa khát vọng no ấm, giàu mạnh của nhân dân Long An./.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”, đặc biệt năm 2018 và năm 2020 đứng thứ 3 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 đứng thứ 5 toàn quốc. Đến cuối năm 2020, tỉnh có trên 12.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động; thu hút đầu tư nước ngoài trên 1.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 6,6 tỉ USD. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được