Công nhân sản xuất tại Nhà máy sản xuất bao AD Star Tú Phương
Giữ việc cho người lao động
Do dịch bệnh Covid-19, nhiều DN trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng vì gián đoạn các chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương. Không ít DN tồn kho nhiều hàng hóa nhưng đầu ra chậm, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm hoặc cho công nhân (CN) nghỉ việc tạm thời. Tuy nhiên, để chia sẻ với NLĐ, nhiều DN đã nỗ lực duy trì sản xuất, giữ việc làm cho NLĐ dù sản xuất, kinh doanh giảm sút.
Tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng những tháng qua, không khí sản xuất tại Nhà máy sản xuất bao AD Star Tú Phương (Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) vẫn rộn ràng. Giám đốc nhà máy - Bùi Tố Định chia sẻ, nhà máy chuyên sản xuất bao bì cung cấp cho các DN, đơn vị sản xuất xi măng, hóa chất, nông sản,… Năm 2019, nhà máy sản xuất trên 210 triệu sản phẩm phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh xảy ra khiến nhà máy chịu ảnh hưởng kép. Thông thường, giá nguyên liệu cũng như giá thành sản phẩm ngành sản xuất bao bì phụ thuộc vào giá dầu thế giới. Do ngành sản xuất bao bì phải luôn dự trữ nguyên liệu trước 3 tháng, thời điểm nhà máy nhập nguyên liệu giá khá cao (khi giá dầu thế giới chưa sụt giảm) nhưng nay giá dầu sụt giảm khiến sản phẩm bán ra giảm giá theo.
Hiện nay, Nhà máy sản xuất bao AD Star Tú Phương còn lượng hàng tồn khá nhiều nhưng lãnh đạo công ty (Cty) vẫn ưu tiên giữ việc làm cho 600 CN. Anh Phan Đình Kỹ An (xã Bình Tâm, TP.Tân An) làm việc ở bộ phận kiểm hàng cho biết, thời gian qua, nhà máy vẫn sản xuất bình thường nên thu nhập của NLĐ không bị ảnh hưởng nhiều. Bình quân lương mỗi tháng trên 7 triệu đồng/người. Ngoài ra, mọi chế độ phúc lợi, cơm trưa đều được Cty hỗ trợ như trước đây nên cán bộ, CN an tâm làm việc. Đặc biệt, CN luôn tuân thủ các quy định phòng dịch bệnh.
Công nhân tại nhà máy Tú Phương vẫn được hưởng các chế độ phúc lợi, cơm trưa đầy đủ, bàn ăn có vách ngăn
Cty TNHH Ji Rui (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) chuyên gia công các công đoạn như in, ép, thêu logo giày cho DN sản xuất giày phục vụ thị trường trong và ngoài nước với khoảng 160 CN. Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty - Lê Thị Hồng Mai, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, so với năm 2019, thời điểm này, nguồn hàng Cty gia công sụt giảm phân nửa vì đối tác từ các Cty mẹ tại nhiều nước hủy đơn đặt hàng. Tuy vậy, Cty vẫn xoay trở nhiều cách, tìm nguồn hàng từ nhiều đối tác để sản xuất gia công. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, Cty làm ra khoảng 2.200 sản phẩm. Do có việc làm nên NLĐ hầu như không bị ảnh hưởng nhưng thu nhập giảm bình quân 3-4 triệu đồng/tháng.
Lê Anh Thư - Tổ trưởng khâu ép nóng Cty TNHH Ji Rui, cho biết: “Khâu này có khoảng 60 CN. Trước đây, bình quân CN làm việc từ 8-10 giờ/ngày, thường xuyên tăng ca nhưng nay chỉ làm 8 giờ/ngày. Tuy mức thu nhập giảm nhưng không thấp hơn 7 triệu đồng/tháng nên CN an tâm, gắn bó cùng Cty vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Xây dựng chiến lược đào tạo sau dịch bệnh
Nếu như dịch bệnh Covid-19 khiến không ít DN thuộc lĩnh vực may mặc gặp khó khăn về đầu vào nguyên liệu lẫn đầu ra sản phẩm thì tại Cty TNHH May Song Hồng (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức), gần như mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Phó Giám đốc Cty - Nguyễn Văn Thiết chia sẻ: “May mắn của Cty là ký hợp đồng với đối tác từ đầu năm 2020 nên đủ việc làm cho CN đến hết quí III-2020. Bình quân mỗi tháng, Cty có thể sản xuất khoảng 100.000 sản phẩm”. Tuy vậy, ông Thiết vẫn trăn trở về tình trạng CN bỏ việc trong mùa dịch nhiều khiến Cty thiếu nhân lực phục vụ sản xuất. Nếu trước Tết Nguyên đán 2020, Cty có khoảng 300 CN thì nay chỉ còn 180 người, năng suất lao động không cao. Mong muốn lớn nhất của Cty là sau dịch bệnh, CN trở lại làm việc cũng như đón thêm 500 CN mới. Cty sẵn sàng đào tạo tay nghề theo hướng nâng cao để đáp ứng tốt công việc, tạo điều kiện cho đơn vị ký những đơn hàng lớn từ đối tác.
Ông Bùi Tố Định chia sẻ, nhà máy vừa đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì mới khoảng 100 tỉ đồng để phục vụ sản xuất. Theo dự kiến, có thêm dây chuyền sản xuất mới này, nhà máy sẽ nâng lên 280 triệu sản phẩm/năm. Thế nhưng dịch bệnh xảy ra khiến nhà máy sụt giảm 20% sản phẩm bán ra so công suất cũ và 45% so với công suất mới. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước giúp nhà máy giảm một phần khó khăn. Theo đó, bình quân mỗi tháng, chi phí tiền tại nhà máy khoảng 3,5 tỉ đồng, nay giảm 10%. Ngoài ra, lãi suất tiền vay cũng được giảm, giản khiến nhà máy đỡ áp lực đến hạn.
Trong những ngày giảm lượng sản xuất, Nhà máy sản xuất bao AD Star Tú Phương tổ chức cho đội ngũ kỹ thuật, CN rà soát tìm “con vi-rút lãng phí”, bảo trì máy móc, đào tạo nâng cao tay nghề cho CN, cắt giảm chi phí đầu vào và áp dụng phần mềm quản lý trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, nhà máy lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên bán hàng đi kèm đào tạo để kịp thời theo dõi thị trường trong nước, quốc tế nhằm điều tiết sản xuất cũng như đón bắt xu thế sau dịch bệnh. Nhà máy cũng đang bắt tay với Trường Cao đẳng Nghề Long An đào tạo gắn với các hoạt động sản xuất trực tiếp. Các gói đầu tư công của Chính phủ cũng là hy vọng của nhà máy, bởi đây là cơ hội cung cấp sản phẩm cho ngành xây dựng.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH May Song Hồng
Theo thông tin từ Sở Công Thương, Long An có 3 đối tượng được giảm giá tiền điện gồm: Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khách hàng ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh dịch vụ) và khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài ra, Long An có 2 đối tượng giảm tiền điện gồm các cơ sở (không phải là khách sạn) được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19. Kết quả triển khai hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho các khách hàng (trong đó có DN) sử dụng điện bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho DN.
Ngoài ra, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như của các cấp, các ngành, Cục Thuế, Cục Hải quan, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Hy vọng, với sự quan tâm này cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động ứng phó, DN sẽ vực dậy, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng tỉnh hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020./.
Mai Hương