Tiếng Việt | English

28/05/2020 - 11:02

Cùng doanh nghiệp và người lao động vượt khó sau đại dịch

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều công ty (Cty), doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động, dẫn đến nhiều công nhân, lao động (CNLĐ) bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không có việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, Long An vẫn có nhiều Cty, DN thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, chấp nhận bù lỗ để nỗ lực giữ chân CNLĐ.

Nỗ lực giữ chân công nhân, lao động

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ tháng 3-2020, các đơn hàng của Cty Cổ phần Bêtông Ly Tâm Thủ Đức - Long An (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) đã giảm từ 10-20% so cùng kỳ, đồng thời thiếu nguyên, vật liệu sản xuất. Trước tình hình này, Cty nỗ lực liên hệ các đơn vị bạn trao đổi nguyên, vật liệu; tìm kiếm đơn hàng mới; thực hiện các hạng mục gia công, sửa chữa, đại tu tại nhà máy,... Nhờ vậy, Cty chưa cho bất kỳ CNLĐ nào nghỉ việc.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty Cổ phần Bêtông Ly Tâm Thủ Đức - Long An vẫn quyết tâm giữ chân công nhân, lao động

Phó Giám đốc Cty Cổ phần Bêtông Ly Tâm Thủ Đức - Long An - Ngô Trường Huy cho biết: “Hiện nay, mức lương trung bình của CNLĐ là 9 triệu đồng/người/tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cty không cho CNLĐ tăng ca nên thu nhập có giảm so với trước. Chúng tôi kiên quyết tạo việc làm cho CNLĐ, thậm chí là bù lỗ. Bây giờ, Cty cho nghỉ việc, CNLĐ cũng khó tìm được việc làm mới, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn khi Cty phục hồi sản xuất, việc tuyển dụng CNLĐ mới sẽ tốn chi phí đào tạo và mất nhiều thời gian”.

Tương tự, Cty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Guang Yang WorlddwiDe Corporation (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) vẫn quyết tâm tạo việc làm cho CNLĐ, bảo đảm các chế độ phúc lợi một cách tốt nhất dù đơn hàng đã hết từ cuối tháng 4. Hiện nay, Cty tận dụng các loại vải tồn kho cho CN may túi xách, ba lô,... Những sản phẩm này, Cty không bán được, chỉ để hỗ trợ công tác an sinh xã hội trong và ngoài tỉnh. Do đó, hàng tháng, Cty phải bù lỗ hơn 6 tỉ đồng để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho CNLĐ và các chi phí khác.

Chị Phạm Thị Thùy Trang (CN Cty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Guang Yang WorlddwiDe Corporation) trải lòng: “Thấy nhiều Cty cho CN nghỉ việc, tôi rất lo lắng, hoang mang. Hiểu được tâm trạng này, Cty không chỉ tạo việc làm cho CN mà còn động viên tinh thần cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19. CN ở đây ai cũng cảm thấy may mắn và sẽ vì Cty nỗ lực nhiều hơn”.

Hàng tháng, Công ty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Guang Yang WorlddwiDe Corporation phải bù lỗ hơn 6 tỉ đồng nhưng vẫn tạo điều kiện cho công nhân, lao động có việc làm

Hậu Covid-19, nhiều Cty tiếp tục không có đơn hàng. Ngay từ tháng 5, một số Cty phải giải thể một số nhà xưởng, thu hẹp sản xuất. Trước tình hình đó, nhiều Cty đưa ra các phương án: Đóng cửa, cắt giảm ít nhất 2/3 CN hoặc thương lượng với CNLĐ số ngày làm việc trong tháng. Tuy nhiên, với mong muốn duy trì việc làm cho CNLĐ, giữ chân họ cho đến khi dịch Covid-19 tạm lắng, nhiều Cty thỏa thuận với CNLĐ đi làm ngày nào sẽ hưởng lương ngày đó nhưng vẫn đóng bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức) - Nguyễn Văn Khải thông tin: “Trước thực tế đơn hàng giảm khoảng 80%, Cty giữ chân người lao động bằng cách thỏa thuận với CN nghỉ việc 2 ngày/tuần không hưởng lương từ tháng 4, thay vì chấm dứt hợp đồng lao động. Giảm ngày làm việc kéo theo thu nhập giảm nhưng CNLĐ vẫn đồng ý, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Còn nhiều khó khăn

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 10-5-2020, toàn tỉnh có 149 DN với 71.455 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 9.895 lao động bị tạm thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc luân phiên; 1.388 lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; 470 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc và hàng ngàn hợp đồng lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Sau Covid-19, nhiều công ty, doanh nghiệp tiếp tục không có đơn hàng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động. Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố có nhiều khu, cụm công nghiệp tiến hành khảo sát, lập danh sách và hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42; động viên các doanh nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Riêng Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tặng quà, xây tặng nhà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn”.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH Giầy FuLuh Việt Nam - Nguyễn Thị Lệ Chi chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số đơn hàng của Cty bị hủy. Vì vậy, Cty bắt buộc phải cắt giảm khoảng 500 lao động, trong đó chủ yếu là lao động hết hợp đồng lao động, thời gian thử việc. Tuy nhiên, Công đoàn đề xuất Ban Giám đốc Cty sẽ ưu tiên nhận lại những CNLĐ này vào làm việc khi tình hình sản xuất ổn định”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Long An đang tiến hành điều tra, rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ cho các nhóm đối tượng còn lại được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Theo đó, ngành đề nghị các địa phương thực hiện khẩn trương để chính sách đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, địa phương nào hoàn thành trước sẽ họp xét và chi hỗ trợ trước, bảo đảm đúng đối tượng, không trục lợi và tham nhũng chính sách”.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh của DN và việc làm của người lao động. Đây là bài toán khó đòi hỏi sự đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội để cùng DN và CNLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất./.

Thực hiện Nghị quyết số 42, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động; tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên để sẵn sàng nhận, xử lý hồ sơ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định; phối hợp các ngành liên quan rà soát đối tượng, nắm nhu cầu vay vốn,... Đến nay, nguồn vốn đã sẵn sàng, chỉ cần người sử dụng lao động thuộc đối tượng theo Nghị quyết số 42 khi có nhu cầu vay vốn, ngân hàng sẽ giải ngân nhanh chóng”.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp

 

Là 1 trong 700 công nhân bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian qua, tôi đi xin việc nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được. Khi biết mình thuộc đối tượng được hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tôi rất mừng. Số tiền này giúp tôi trang trải một phần khó khăn trong cuộc sống”.

Chị Trần Thị Lan (công nhân Công ty TNHH Long Vỹ, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa)

Song Hồng - Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết