Một cơ sở nuôi chim yến được cấp phép tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa
Sau cuộc tiếp xúc cử tri và nghe phản ánh từ Đại biểu HĐND, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành phối hợp địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm H5N1 trên chim yến.
Ngày 24/12/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn 6162/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý dẫn dụ và gây nuôi chim yến, nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, đồng thời phối hợp cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý đối với hành vi phát âm thanh gây tiếng ồn quá quy định tại các cơ sở nuôi chim yến.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải quản lý chặt chẽ lĩnh vực xây dựng và cấp phép xây dựng, thiết kế nhà ở và nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở không cấp phép xây dựng nhà nuôi, dẫn dụ chim yến trong khu vực nội thành thành phố, thị xã, thị trấn và các khu dân cư.
Ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm từ tổ yến.
Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành Công văn số 797 ngày 29/01/2019 về quản lý dẫn dụ và gây nuôi chim yến nhằm hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai thực hiện quản lý nuôi chim yến. Nội dung chủ yếu yêu cầu các cơ sở phải chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh thú y về khai thác và sơ chế tổ yến, hợp tác với các cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu và xét nghiệm để kiểm soát sự lưu hành của mầm bệnh theo định kỳ 6 tháng/lần và đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc khi có dịch bệnh xảy ra. Các cơ sở nuôi và sơ chế tổ yến cần phối hợp, chấp hành sự kiểm tra, thanh tra điều kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Ngành NN&PTNT Long An xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm trên chim yến tại các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến. Đồng thời phối hợp ngành liên quan, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh thú y và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi biện pháp xử lý môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm.Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra và cấp 5 giấy chứng nhận ATVSTP cho 5 cơ sở sơ chế và sản xuất tổ yến trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Thú y - chăn nuôi và Thủy sản Long An, từ đầu năm 2019 đến nay, Đoàn kiểm tra của Chi cục đã lấy 39 mẫu gộp (gồm 195 tổ chim) từ 39 cơ sở nuôi chim yến trong tỉnh (9 địa phương) để kiểm nghiệm vệ sinh thú y; kết quả cho thấy cả 39 mẫu đều âm tính với cúm gia cầm.
Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y - chăn nuôi và Thủy sản, các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đều nuôi bằng hình thức dẫn dụ chim trời về làm tổ nên khả năng mang theo mầm bệnh rất cao. Do vậy, người chăn nuôi cần hết sức cảnh giác thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh thú y để phòng bệnh.
Một nhà nuôi yến tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc
Cũng theo Sở NN&PTNT, qua kiểm tra có nhiều trường hợp gia đình ở tầng dưới, tầng trên cải tạo nuôi chim yến, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tăng cao. Hiện nay, tỉnh Long An chưa có quy hoạch vùng nuôi chim yến. Theo số liệu tổng hợp từ 10 địa phương trong tỉnh báo về, tính từ đầu năm đến nay, cả tỉnh phát sinh mới hơn 120 nhà nuôi, dẫn dụ chim yến. Theo đó, 70% là xây nhà mới nuôi yến, 30% cải tạo từ nhà ở, đa số cải tạo, xây mới nhưng không xin phép; đặc biệt, việc nuôi chim yến lại thường gần khu dân cư vì nuôi ở khu vực vắng vẻ thì rất khó dẫn dụ chim yến.
Được biết, Luật Chăn nuôi có nội dung quy định về quản lý nuôi chim yến nhưng đến năm 2020 thì luật mới có hiệu lực. Hiện nay, các văn bản dưới luật về quản lý và liên quan đến chim yến rất thiếu và không đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của việc nuôi, dẫn dụ và khai thác chim yến.
Trong thời gian tới, sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp đơn vị liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định khu vực nuôi chim yến, khu vực không được phép nuôi chim yến. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh quy định chặt chẽ việc nuôi, khai thác chim yến theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Hiện nay, tình trạng phát sinh các cơ sở nuôi chim yến rất phức tạp (cả vùng nông thôn và thành thị). Sở đang có ý kiến trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, dần đưa việc nuôi chim yến vào quy hoạch, để khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì đi vào ổn định vì để tự phát sẽ rất khó xử lý trong thời gian tới”./.
Đ.Lâm