Tiếng Việt | English

03/10/2019 - 18:50

Long An: Tập trung hoàn thành kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 - 2020

Chiều 03/10, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị.

Sản xuất nông nghiệp đạt một số kết quả khả quan

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Chí Thiện, năm 2019, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt một số kết quả tích cực. Tổng diện tích cây lúa gieo sạ năm 2019 ước đạt 505.701ha, đạt hơn 100% kế hoạch (503.580ha), bằng 98,9% so cùng kỳ năm 2018.

Diện tích thu hoạch 507.445ha, năng suất ước đạt 5,4 tấn/ha, sản lượng ước đạt 2.751.067 tấn, đạt hơn 100% kế hoạch (2.750.000 tấn), trong đó, lúa chất lượng cao ước đạt 1.360.000 tấn.

Rau các loại diện tích trồng ước đạt 12.128ha, bằng 98,8% so với năm 2018, chủ yếu là rau lấy lá và dưa hấu, năng suất ước đạt 178 tạ/ha, sản lượng 216.187 tấn, bằng 102% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, diện tích dưa hấu 3.448ha, năng suất ước đạt 234 tạ/ha, sản luợng 80.889 tấn.

Cây thanh long diện tích trồng trên 12.000ha, diện tích cho trái ước hơn 9.800ha, năng suất ước đạt 302 tạ/ha, sản lượng gần 300.000 tấn. 

Cây chanh có tổng diện tích gần 9.600ha, chủ yếu trồng ở huyện Bến Lức, Đức Huệ, ước cho trái hơn 8.800ha, năng suất ước đạt 172 tạ/ha, sản lượng hơn 150.000 tấn. 

Bên cạnh đó, một số cây trồng khác cũng có những tín hiệu tích cực. Chương trình Cánh đồng lớn, Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng có những chuyển biến và kết quả rõ nét. Toàn tỉnh thực hiện được 15.000ha lúa, gần 1.500ha chanh và hơn 1.600ha thanh long ứng dụng công nghệ cao.

Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật và một số nhiệm vụ chuyên môn khác cũng được ngành tập trung thực hiện. 

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định do biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất cũng như lợi nhuận của người dân. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên cây lúa, gia súc, gia cầm còn tương đối phức tạp; giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định cũng ảnh hưởng nhất định đến kết quả sản xuất,...

Ngành đưa ra kế hoạch và giải pháp để thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Trong đó, đối với cây lúa: Lúa mùa có diện tích 1.200ha, năng suất 38 tạ/ha, sản lượng 4.600 tấn; lúa Đông Xuân có diện tích trồng hơn 228.000ha, năng suất đạt 64 tạ/ha, sản lượng hơn 1,4 triệu tấn. Cây rau các loại diện tích trên 12.000ha, năng suất 176 tạ/ha, sản lượng hơn 212.000 tấn.

Một số giải pháp để hoàn thành kế hoạch: Tăng cường thông tin, tuyên truyền; phối hợp giữa các ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan; tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi nhà đầu tư về đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân; đẩy mạnh các ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng sản xuất mới, thay đổi tư duy, tập quán cũ khi sản xuất. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh chỉ đạo tập trung hoàn thành kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 - 2020

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác sản xuất nông sản an toàn và xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh (thanh long, chanh,...).

Để sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng để hạn chế dịch hại; các huyện phía Bắc cần tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020 trong tháng 12/2019. 

Các huyện phía Nam cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn, chuyển sang các cây trồng ngắn ngày và áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm để đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng. Về cơ cấu giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cũng đặc biệt lưu ý các ngành chức năng, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và người dân để siết chặt lại lại mối liên kết "4 nhà" mà trước nay vốn còn lỏng lẻo. 

Về vấn đề chuyển đổi tự phát từ đất trồng lúa sang đào ao thả cá tra bột, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ rõ: Người dân muốn chuyển đổi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền xã mới được triển khai./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết