Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm phát biểu tại hội thảo
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, thời gian qua, Sở phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường bảo trì các tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến các cảng, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở tập trung chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, các công trình mang tính chất đột phá.
Đại diện Cảng Quốc tế Long An cho biết, cảng nằm liền kề khu công nghiệp, dịch vụ công nghiệp và khu đô thị, hình thành nên một khu liên hợp dịch vụ cảng biển, đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giao thương hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu
Ngoài ra, Cảng Quốc tế Long An còn kết nối TP.HCM, Đông Nam Bộ và 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các quốc gia trên thế giới.
Theo đại diện Cảng Quốc tế Long An, những năm qua, sản lượng hàng hóa xếp dỡ tại cảng đều tăng theo từng năm: Năm 2018 tiếp nhận 350.000 tấn, năm 2020 hơn 1.400.000 tấn, năm 2023 lên 2.200.000 tấn, năm 2024 hơn 4.000.000 tấn.
Cảng cung cấp đầy đủ các dịch vụ cảng biển và logistics trọn gói như khai thác hàng tổng hợp, container, dịch vụ lưu kho, bãi, giao nhận hàng hóa quốc tế, vận chuyển thủy bộ, đại lý hải quan.
Hiện cảng có 7 cầu cảng, khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn. Tuy nhiên, do chưa có chi cục hải quan cửa khẩu tại cảng nên khách hàng còn e ngại khi giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng.
Đại diện Cảng Quốc tế Long An đề xuất các cấp, các ngành tỉnh Long An đẩy nhanh việc thành lập chi cục hải quan cửa khẩu tại cảng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút hàng hóa container, đồng hành trong việc tạo chân hàng container và điều tiết luồng hàng về cảng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, đến năm 2030, Long An hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa. Qua đó, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh trong Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Minh Lâm cho rằng, việc xây dựng chính sách khuyến khích container vận chuyển qua cảng trên địa bàn tỉnh thật sự cấp thiết để khai thác, phát huy tiềm năng khác biệt,…tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, nghiên cứu sâu từng khuyến nghị, ý kiến góp ý của các diễn giả, doanh nghiệp; có đánh giá dự kiến tác động, hiệu quả cụ thể của chính sách. Trong đó, cần xác định rõ cơ chế pháp lý, đối tượng cần được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ sao cho hợp lý.
Đại biểu đến từ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm
“Trên tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần khẩn trương tập trung thực hiện, bảo đảm trình tự, thủ tục Luật định trước khi trình HĐND tỉnh xem xét; xây dựng, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết tại kỳ họp lệ cuối năm 2024 theo chương trình xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2024” - ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh./.
Lê Đức - Hoàng Tuân