Tiếng Việt | English

05/03/2019 - 17:42

Long An triển khai phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Chiều 05/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh chủ trì Hội nghị “Triển khai công tác cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Long An

Tính đến ngày 03/3, cả nước có 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nhiễm bệnh. Long An là một trong các tỉnh phía Nam có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh, tỉnh có nguy cơ nhiễm bệnh DTLCP do Long An là cửa ngõ về các tỉnh miền Tây, số lượng heo vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam rất lớn. Ngoài ra, Long An là nơi tập trung số lượng cơ sở giết mổ lớn (42 cơ sở) và 11 điểm thu gom động vật và lượng heo giết mổ tập trung, cung cấp thị trường TP.HCM khoảng 2.500 con/đêm. Hoạt động giao thương cư dân biên giới giữa Việt Nam và Campuchia cũng là một trong những nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan nhanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo tại Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh DTLCP. Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn trong nước, nhất là các tỉnh phát hiện dịch bệnh để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Long An.

Đồng thời, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát chặt chẽ 24/24 đối với heo và sản phẩm heo ra vào địa bàn tỉnh; bố trí các lực lượng liên quan tổ chức, kiểm soát việc vận chuyển heo. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. 

Địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền cho người chăn nuôi: Thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; khi xảy ra dịch bệnh phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh, nghi bị bệnh..../.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết