Tiếng Việt | English

04/03/2019 - 14:41

Triển khai cấp bách khống chế dịch tả lợn Châu Phi

Sáng 04/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)” do Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị. Điểm cầu Long An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh chủ trì điểm cầu Long An

Trên thế giới, những năm qua, bệnh DTLCP lây lan rất nhanh từ nước này sang nước khác. Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới, tính từ năm 2017 đến nay, có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP.

Việt Nam chung đường biên giới dài trên 1.000km có nhiều cửa khẩu và hàng trăm đường mòn lối mở với nhiều hoạt động của cư dân biên giới như chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, phương tiện qua lại,…nên nguy cơ lan truyền dịch bệnh rất cao. Tính từ ngày 01/02 - 03/3/2019, DTLCP tại Việt Nam xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tổ chức ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP. Đặc biệt, các ngành Công an, Quân đội, Ban Chỉ đạo 389, cơ quan Hải quan các cấp,… siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, các sản phẩm từ lợn và tham gia ứng phó, xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg và công tác phòng, chống dịch tại địa phương, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản các tình huống cho dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác tại địa phương để tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chăn bệnh DTLCP xâm nhiễm. Địa phương cần thông tin tuyên truyền sâu rộng để mọi người chăn nuôi, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển,…và toàn xã hội vào cuộc thực hiện nghiêm túc "5 không" theo quy định Luật Thú y (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý)./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết