Trưởng ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Cầm (bìa phải) thường dành chút thời gian “trà nước” với các gia đình trong ấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân
Đảng viên đi trước...
Mười mấy năm làm trưởng ấp đủ để ông Nguyễn Văn Cầm (Trưởng ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) biết rõ từng hộ gia đình trong ấp. Hầu như mọi tuyến đường, công trình thuộc địa bàn ấp đều có sự góp mặt của ông.
Không trực tiếp vận động, cùng người dân giám sát, thi công công trình thì ông cũng là người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra công trình sau khi hoàn tất. Mỗi ngày, ông dành thời gian “rảo” vòng quanh ấp, đôi khi chỉ là ghé nhà ai đó uống ly trà, nói chuyện trồng dưa, lúa, làm đường, lắp bóng đèn trong ấp.
Cứ như vậy, ông Cầm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân và được người dân trong ấp quý mến, tin tưởng. Là đảng viên, lại là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Cầm hiểu rõ giá trị của những năm tháng hòa bình nên luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương.
Ông Cầm chia sẻ: “Đã là đảng viên thì phải gương mẫu, đi đầu, đó là trách nhiệm. Huống hồ tôi còn được người dân tin tưởng bầu làm trưởng ấp thì phải hết lòng vì việc chung, vận động người dân chung tay xây dựng quê nhà”.
Tính đến nay, 4 cây cầu giao thông nông thôn trên tuyến đường 90A được đưa vào sử dụng hơn 1 năm nhưng người dân trong vùng vẫn còn nhớ rõ những ngày cùng nhau “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” dưới sự động viên, kêu gọi của ông Cầm.
Đường 90A là tuyến đường quan trọng trong ấp, có thể kết nối với xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa) và xã Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa). Người dân qua lại tuyến đường khá nhiều. Đường đã được mở rộng, trải nhựa nhưng 4 cầu trên tuyến đường thời điểm ấy còn nhỏ, hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp không ít khó khăn. Được mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, ông Cầm vận động người dân đóng góp ngày công để làm cầu. Ông tính toán mua nguyên, vật liệu, còn thiết kế và thi công 4 cầu giao thông nông thôn do người dân trong ấp đảm nhiệm.
Suốt hơn nửa tháng, người dân trong ấp tạm gác việc nhà, tập trung thi công 4 cây cầu giao thông nông thôn trên tuyến đường cũng vì tin tưởng vào trưởng ấp và vì lợi ích chung. Ông Cầm kể: “Hồi đó, tôi vận động mọi người đóng góp ngày công chứ không nhận tiền. Hầu như nhà nào cũng có người ra phụ. Cứ sáng ra làm, đến trưa lại về nhà ăn cơm, chiều tiếp tục. Khoảng 15 ngày thì xong hết. Cầu bây giờ xe 2,5 tấn qua được. Hàng hóa vận chuyển thuận lợi nên ai cũng vui”.
... Làng nước theo sau
Theo ông Cầm, muốn làm được bất kỳ công trình nào, trước hết cần sự đồng thuận của người dân. Nếu không có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân thì sự nhiệt tình của trưởng ấp như ông cũng không thể mang lại kết quả trọn vẹn. Nói rồi, ông đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Bé và bà Nguyễn Thị Danh (ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa).
Vợ chồng ông Bé là điển hình tiêu biểu cho sự đồng thuận của người dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung. Vợ chồng ông Bé hiến trên 1.000m2 đất mở rộng tuyến đường 90C, mở rộng đoạn ngoặt gấp tại điểm giao nhau giữa đường 90C và đường M1. Ông Cầm cho biết: “Không chỉ hiến nhiều đất, vợ chồng anh Bé còn là hộ tiên phong, đồng thuận và giao đất đầu tiên khi thực hiện công trình. Lúc thi công mở rộng khúc ngoặt tại điểm giao nhau, chị Danh nói với bên thi công là cứ mở rộng đến khi đạt yêu cầu”.
Trưởng ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Cầm (bìa phải) thường dành chút thời gian “trà nước” với các gia đình trong ấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân
Nhờ vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé hiến đất, khúc ngoặt điểm giao nhau đường 90C và M1 được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại
Theo ông Bé, sự đồng thuận của vợ chồng ông xuất phát từ việc tin tưởng vào các chủ trương của Nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ ở địa phương mà cụ thể là trưởng ấp. Vì thấy được lợi ích thiết thực của các công trình nên vợ chồng ông Bé sẵn lòng đồng thuận.
Ông Bé bộc bạch: “Khi đường được mở rộng thì người hưởng lợi đầu tiên chính là người dân. Có đường lớn thì giá dưa, giá lúa cũng "nhích" lên nhờ vận chuyển thuận lợi. Với lại, trưởng ấp đã giải thích rõ, chính quyền đầu tư kinh phí mở rộng đường thì việc người dân chung tay hiến đất cũng là điều đương nhiên, dễ hiểu”.
Nhờ sự tận tâm và đồng thuận đó, Tân Hiệp ngày nay có nhiều thay đổi. Xã vùng biên đã trở thành xã nông thôn mới. Đường về biên giới đã không còn “nắng bụi mưa lầy” mà thay bằng đường nhựa phẳng phiu với hoa vàng nở rộ dọc 2 bên đường. Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Bùi Văn Anh khẳng định, sự đồng thuận của người dân, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các đoàn thể, ban ấp,... chính là động lực to lớn của Tân Hiệp trong hành trình xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao./.
Quế Lâm