Chồng mất lúc bà Nguyễn Thị Đô mới 37 tuổi, khó khăn chồng chất trên đôi vai người mẹ đơn thân khi các con đang tuổi ăn, tuổi học. Với ý chí, nghị lực vươn lên và tình thương bao la của người mẹ, bà Đô không cho phép mình gục ngã để lo cho cuộc sống của 4 mẹ con đỡ vất vả hơn.
Mỗi ngày, bà ra chợ từ 23 giờ để lấy trái cây của bạn hàng gởi xe từ miền Tây lên, sau đó phân loại, bỏ sỉ, số còn lại thì bán ở sạp. Cứ vậy, bà tích cóp, nuôi dạy các con học hành đến nơi, đến chốn.
Bà Nguyễn Thị Đô (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) trò chuyện, chia sẻ cùng con
Từng có khoảng thời gian, hàng xóm khuyên bà cho các con nghỉ học ở nhà phụ giúp công việc cho đỡ vất vả. Sợ các con không được học hành sẽ khó thoát cảnh nghèo khó, bà chấp nhận khổ cực để các con được đến trường. Thương mẹ nhọc nhằn, vất vả, các con của bà đều cố gắng học tập, hiện đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và yên bề gia thất.
Bà Đô chia sẻ: “Thấy các con khôn lớn, trưởng thành, có cuộc sống hạnh phúc, thành đạt, tôi vui và xem đó là động lực trong cuộc sống”.
“Cuộc sống, công việc và những gì chị em tôi có được là cả thời thanh xuân mẹ đã hy sinh thầm lặng và tảo tần nuôi lớn chúng tôi. Vì thế, khi gặp những khó khăn, biến cố trong cuộc sống, mẹ chính là tấm gương để tôi vượt qua” - chị Thảo - con gái lớn của bà Đô nói.
Kết hôn ở tuổi 20, chị Huỳnh Thị Kim Chi có cuộc sống yên ấm. Nhưng ngày tháng ấm êm ấy chưa được bao lâu thì tai nạn bất ngờ ập xuống. Chị bị điện giật tưởng chừng không qua khỏi. Trải qua 26 lần nhập viện mổ nối gân bàn tay là bấy nhiêu lần đau đớn, tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng nghĩ đến con, chị Kim Chi gắng gượng vượt qua nỗi đau về thể xác để nuôi con.
Được sự giúp đỡ của cha mẹ và anh chị em, chị Kim Chi mở quán bán bún riêu tại nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và chi phí học tập của con. Thấy chị tật nguyền đôi tay nhưng vẫn cố gắng lao động nên chòm xóm thường xuyên đến quán ủng hộ.
Chị Kim Chi tâm sự: “Ở độ tuổi nhiều ước mơ nhất thì tai nạn lại ập đến. Đau đớn, hụt hẫng khiến tôi nhiều lần nghĩ quẫn nhưng nghĩ đến con, tôi lại tiếp tục cố gắng vượt qua. Khó ở đâu, thất bại ở đâu thì vươn lên ở đó”.
Dù đôi bàn tay bị khuyết tật nhưng chị Huỳnh Thị Kim Chi (ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) vẫn nỗ lực lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hiệp - Nguyễn Thị Ngọc Diễm cho biết: “Bà Đô và chị Kim Chi là những tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, nuôi dạy con chăm ngoan, học hành đến nơi, đến chốn. Tinh thần, nghị lực vượt khó của các chị thật đáng khâm phục, góp phần điểm tô hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn”.
Mỗi gia đình một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng ở đó, tấm lòng của mẹ đều bao la, vô bờ bến. Tình thương chính là sức mạnh để những người mẹ vượt qua nghịch cảnh nuôi con khôn lớn nên người. Với các con, tình thương của mẹ là động lực cố gắng học hành, thành người có ích để mẹ an lòng dù trải bao vất vả./.
Việt Hằng - Kim Phượng