Tiếng Việt | English

02/01/2024 - 09:31

Nghị lực vượt khó của chị Thanh

Dù cuộc sống khó khăn, đôi chân không lành lặn nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh luôn giữ vững tinh thần lạc quan và không ngừng cố gắng học hỏi

Một ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bắt đầu từ sáng sớm, kết thúc lúc tối mịt. Dáng người thấp nhỏ vì khuyết tật ở chân, song bằng sự kiên trì và bản lĩnh vượt khó, chị nỗ lực vươn lên, tạo cho mình một nghề vững chắc để làm chủ cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Với nhiều phụ nữ khác, đến với nghề thợ may là điều bình thường, thế nhưng đối với chị Thanh, đây là một hành trình gian khó bởi chị không may bị khuyết tật do bệnh sốt bại liệt từ nhỏ. Dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng căn bệnh ấy khiến đôi chân chị bị teo lại, việc đi đứng rất khó khăn.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha chị hàng ngày đi làm thuê, mẹ ở nhà nội trợ, trồng rau để trang trải cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, chị Thanh quyết tâm phải học một nghề để cuộc sống ổn định hơn. Vì yêu thích nghề may, năm 16 tuổi, chị xin học nghề tại một tiệm may gần nhà. Những buổi đầu học may, đôi chân yếu ớt phải vận động quá sức, từng vòng quay của máy may khiến đôi chân ê buốt nhưng không ngăn được ý chí muốn lập nghiệp, tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân của chị Thanh. Sau 2 năm theo học nghề, với nguồn vốn ít ỏi, chị mở tiệm may nhỏ tại nhà và bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Chị Thanh chia sẻ: “Ban đầu vốn ít, tôi chỉ có 1 cái máy may, chủ yếu nhận may quần áo cho người quen trong xóm. Mỗi lần muốn vắt sổ, làm khuy áo, tôi phải nhờ ba chở đi gần 5km. Vừa làm, tôi vừa học hỏi, tự thiết kế nhiều mẫu trang phục để giới thiệu cho khách hàng. Lần đầu cầm số tiền do chính mình làm ra, tôi vỡ òa trong hạnh phúc”.

Với tính cẩn thận, tỉ mỉ cùng bàn tay khéo léo, sáng tạo, chị Thanh tự lên ý tưởng và thiết kế nhiều mẫu mã quần áo đa dạng, hợp thời trang từ sơ mi, quần tây, áo dài, áo bà ba đến đồ bộ. “Tiếng lành đồn xa”, không lâu, tiệm may của chị không chỉ tạo được niềm tin của khách hàng trên địa bàn xã mà còn lan tỏa tới các địa phương khác.

“Tôi gắn bó với nghề may đến nay được 27 năm nay. Dù cuộc sống khó khăn, đôi chân không lành lặn nhưng tôi luôn giữ vững tinh thần lạc quan và không ngừng cố gắng học hỏi. Chính những khó khăn, thử thách trong cuộc sống đã giúp tôi có thêm nghị lực để vươn lên thực hiện ước mơ của mình” - chị Thanh cho biết.

Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, những năm gần đây, chị Thanh mua thêm vải về bán. Cùng với đó, chị mua máy vắt sổ, máy làm khuy để có thể chủ động và không phải đi xa như trước đây. Nhờ biết cách tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng như Facebook, Zalo,... mà sản phẩm quần áo thời trang của chị Thanh được nhiều người biết đến. Thu nhập của chị cũng ổn định với khoảng 7-10 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm.

Chăm chỉ, không lùi bước trước số phận, nghị lực vượt khó của chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh đã khẳng định dù là ai, hoàn cảnh như thế nào, nếu biết vượt qua mặc cảm, cố gắng không ngừng nghỉ thì sẽ gặt hái “trái ngọt”. Tháng 11/2023, chị vinh dự được tham gia họp mặt, biểu dương phụ nữ khuyết tật vượt khó thành công do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Đây là niềm vui, động lực để chị tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết