Bến Lức là địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, thu hút khá đông LĐ nhập cư, trong đó có CNLĐ nghèo. Một số trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn nên không đủ điều kiện cho con đến trường. Từ thực tế đó, năm 2012, lớp học tình thương dành cho con CN có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo trên địa bàn huyện Bến Lức được thành lập tại nhà trọ Duy Quý (thị trấn Bến Lức). Ban đầu, lớp chỉ có vài em theo học, chủ yếu là con CN đang ở nhà trọ này. Khi đó, một giáo viên về hưu tình nguyện đứng lớp. Năm 2013, cán bộ, chiến sĩ ĐBPCK Cảng Bến Lức tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương này.
Nhiều năm qua, lớp học tình thương tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức là "điểm tựa" cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Sau hơn 10 năm hoạt động, lớp đã giúp hàng trăm trẻ em là con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn biết đọc, biết viết. Em Châu Chí Nguyện (11 tuổi, quê Cà Mau) chia sẻ: “Cha mẹ con đến Bến Lức làm CN trên 4 năm. Gia đình con có 4 anh, chị em nên cha mẹ không đủ điều kiện cho anh em con đến trường như các bạn cùng trang lứa. Thông qua người quen, cha mẹ biết đến lớp học tình thương rồi đăng ký cho con theo học. Buổi sáng, con tranh thủ đi bán vé số, buổi chiều thì đi học”.
Tương tự trường hợp gia đình Chí Nguyện, ông Hạ Văn Sang (quê An Giang) chọn Bến Lức để mưu sinh trên 10 năm nay. Vợ ông làm CN, ông LĐ tự do. Với đồng lương CN ít ỏi và thu nhập bấp bênh từ nghề làm thuê, vợ chồng ông Sang không đủ điều kiện lo cho 5 đứa con đến trường. Biết được lớp học tình thương dạy miễn phí, vợ chồng ông cho các con đến học. Ông Sang bộc bạch: “Nhìn những đứa trẻ khác được đến trường còn con mình chưa được đi học, vợ chồng tôi xót lắm! Nếu không có lớp học tình thương này chắc con tôi sẽ không biết đọc, biết viết. Đến đây học, gia đình không tốn bất cứ chi phí nào, mà còn thường xuyên nhận được quà, nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm giúp đỡ. Được đi học, các con tôi hoạt bát, lễ phép hơn”.
Những giá trị nhân văn mà lớp học tình thương mang lại đã được nhiều người biết đến. Từ đó, nhà hảo tâm chủ động đến tặng quà, nhu yếu phẩm, sách vở,... Đặc biệt, UBND thị trấn Bến Lức còn cho mượn trụ sở Trạm Y tế để sử dụng làm nơi giảng dạy. Nhờ vậy, từ căn phòng trọ nhỏ, đến nay, lớp học tình thương đã khang trang hơn với 4 phòng học, thư viện, sân chơi, máy lọc nước,... Hiện lớp học tình thương có gần 100 em từ 6-15 tuổi, theo học từ lớp 1-5. Giáo viên đứng lớp là những cán bộ, chiến sĩ của ĐBPCK Cảng Bến Lức.
Thượng úy Trần Văn Cảnh (ĐBPCK Cảng Bến Lức) cho biết: “Khi được đơn vị phân công phụ trách lớp, tôi cảm thấy e ngại vì chưa có nghiệp vụ sư phạm. Song khi tiếp xúc với các em, biết được hoàn cảnh gia đình, tôi càng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng học hỏi các kỹ năng sư phạm với mục đích giúp các em tiếp thu bài nhanh. Ngoài dạy kiến thức, tôi còn chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, đặc biệt là dạy cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè để các em ngày càng chăm ngoan, lễ phép”.
Cuộc sống khó khăn, nhiều gia đình phải rời quê để mưu sinh. Trong hành trình mưu sinh ấy, họ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có lớp học tình thương dành cho con CN có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ đó lại là nguồn động viên lớn, giúp họ an tâm làm việc, gắn bó với Long An./.
Lê Ngọc