Cô Liêm luôn theo sát quá trình học của các em
Hành trình tìm học trò
Một trong những người đầu tiên có công mở Lớp học tình thương tại TP.Tân An là cô Phạm Thị Liêm. Cô Liêm kể: “Năm 1990, tôi công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh nên biết khá nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những cháu không được đến trường mà phải vào đời sớm để mưu sinh. Không biết chữ, ít được cha mẹ quan tâm dạy dỗ, nhiều cháu chưa ngoan, nói tục và trộm cắp vặt. Trăn trở với điều đó, tôi mong các cháu được học hành, được quan tâm và yêu thương như bạn bè đồng trang lứa. Vậy là, tôi quyết tâm mở lớp học tình thương dành cho các cháu”.
Mỗi ngày, cô Liêm dành thời gian để gặp gỡ những trẻ em bán vé số, phụ quán cơm, quán nước,... và hỏi về mong muốn đến lớp học của các em. Cô kể cho các em nghe về những dự định của lớp học; giải thích để các em hiểu lợi ích khi biết chữ và đặc biệt là có thêm bạn bè và sân chơi lành mạnh khi đến với lớp học tình thương. Nhờ sự nỗ lực của cô, năm 1990, lớp học tình thương “nên vóc nên hình” với hơn 20 học sinh.
Lớp được đặt tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. “Vận động được các em đi học, tôi mừng lắm. Tôi cố gắng dạy các em biết đọc, biết viết và chú trọng giáo dục đạo đức. 30 năm gắn bó với lớp học, công việc này trở thành một phần cuộc sống của tôi. Còn sức khỏe là tôi còn đồng hành với hành trình tìm con chữ của các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” - Cô Liêm tâm sự.
Từ đó đến nay, lớp học cứ lặng lẽ duy trì và trở thành mái nhà chung của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP.Tân An. Mỗi năm, các thầy cô, địa phương không quá vất vả trong việc vận động các em đến lớp như ngày mới thành lập. Các em truyền tai nhau về lớp học và tự tìm đến để được học chữ và học làm người. Rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ lớp học tình thương. Trong đó, một số học trò cũ vẫn giữ liên lạc với các thầy cô của mình. Năm 2017 đến nay, lớp được chuyển sang học tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng liên phường 1 và phường 3.
Dạy chữ kết hợp rèn người
Lớp học tình thương hiện có hơn 20 học sinh do thầy Nguyễn Hoàng phụ trách chính, cô Liêm tham gia hỗ trợ. Lớp được chia làm 2 nhóm, gồm trình độ lớp 1, 2 và trình độ lớp 3, 4, 5. Mục tiêu của lớp học là dạy các em biết đọc, biết viết, biết làm toán, làm văn và những kiến thức xã hội cần thiết.
Thầy Hoàng không ngại khó trong quá trình dạy, niềm vui lớn nhất là học trò tiến bộ, trưởng thành
Thầy Hoàng tâm sự: “Chương trình học của các em khá nhẹ. Chúng tôi chú trọng 2 môn Tiếng Việt và Toán để các em đọc đúng, viết đúng và làm phép tính đúng. Chúng tôi cũng không quan trọng việc dạy nhanh, dạy nhiều mà chủ yếu là các em có tiếp thu được kiến thức, thực hành viết, làm toán, làm văn được hay không. Có những em dạy rất lâu vẫn không viết đúng, đọc đúng nhưng chúng tôi không nản lòng, quyết tâm giúp các em vượt qua rào cản của bản thân”.
Ngoài dạy chữ, thầy Hoàng, cô Liêm còn chú trọng dạy đạo đức cho các em. Mỗi học sinh là một hoàn cảnh, một tính cách nhưng thầy Hoàng, cô Liêm nắm rõ để có cách giáo dục phù hợp. “Ngay ngày đầu đến lớp, tôi chú trọng giáo dục các em về đạo đức, cách ứng xử với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh.
Từ khi tham gia lớp học tình thương, tình trạng trộm cắp vặt, đánh nhau, nói tục của những đứa trẻ vào đời sớm giảm đáng kể” - thầy Hoàng kể.
Đến với lớp học, các em còn được thỏa sức vui chơi và được rèn luyện sức khỏe. Trước khi lớp học bắt đầu, các em chơi đá bóng, cầu lông, nhảy dây,... Lớp học cũng chuẩn bị sẵn bánh, nước cho những em chưa kịp ăn cơm chiều lót dạ trước khi vào học lúc 17 giờ các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần. Ngoài ra, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa như học giao tiếp tiếng Anh với học sinh Trường THPT Chuyên Long An, học võ để tự vệ và được nhận quà trong những dịp lễ, tết hàng năm.
Lớp học tình thương giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi được dạy chữ rèn người, các em tự tin bước ra xã hội và viết tiếp ước mơ của mình./.
Ngọc Sương