Tiếng Việt | English

18/11/2019 - 11:55

Những người 'lái đò' không công

“Em học ở đây đã được 2 năm, nhờ thầy cô dạy em mới biết chữ, em biết ơn thầy cô nhiều lắm” - đó là lời tâm sự của em Lý Văn Tuấn Anh (13 tuổi), ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An khi nói về cô Phạm Thị Liêm và thầy Nguyễn Hoàng, hiện là giáo viên lớp học tình thương.

Thầy Nguyễn Hoàng (bìa trái), cô Phạm Thị Liêm (thứ 2 từ trái qua) hiện đang là giáo viên đứng lớp tại lớp học tình thương

Không giới hạn độ tuổi, lớp học tình thương luôn dang rộng vòng tay với những ai tìm đến con chữ. Ra đời từ năm 1995 đến nay, lớp hiện có gần 30 em từ 8 – 17 tuổi theo học. Trong đó, đa phần là các em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường, ngoài ra, một số em trí tuệ chậm phát triển cũng tìm đến lớp học đặc biệt này.

Đều đặn cứ vào 17 giờ, thứ 2, 4, 6 hàng tuần là lớp học tình thương tại Trung tâm Văn hóa liên phường 1 và phường 3, TP.Tân An lại sáng đèn để “thắp” thêm hy vọng về con chữ cho trẻ em nghèo.

Gắn bó với lớp học từ những ngày đầu mới thành lập, cô Phạm Thị Liêm - Giáo viên lớp học tình thương chia sẻ: “Đa phần các em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, ban ngày đi bán vé số, bán hàng rong, tối đi học nhưng em nào cũng chăm chỉ, đều đặn một tuần 3 buổi các em luôn đến lớp đúng giờ. Có bữa vừa đi bán xong chưa kịp về nhà đã vội đến lớp cho kịp giờ học”.

Đa số các em còn chậm hiểu, tiếp thu kiến thức khó khăn nên đòi hỏi thầy cô phải kiên trì, chịu khó

Ở lớp học này có 5 cấp lớp từ 1 đến 5, cô Liêm dạy lớp 1, 2 còn thầy Hoàng phụ trách lớp 3, 4, 5. Vì các em đều ở nhiều cấp lớp và độ tuổi khác nhau nên công việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải nhẫn nại, kiên trì mới có thể gắn bó với lớp lâu dài.

Thầy Nguyễn Hoàng - Giáo viên lớp học tình thương cho biết: “Dạy các em biết chữ phải trải qua quá trình vất vả. Đa số các em ở đây chậm hiểu, có em thiểu năng, tiếp thu khó khăn nên đòi hỏi thầy cô phải chịu khó, cần mẫn, dạy từng li từng tí, cầm tay gò từng chữ viết, đọc từng lời, chỉ các em cách ráp vần. Mỗi ngày một ít vừa đọc, vừa viết bảng, vừa viết trong vở là cả một quá trình khó khăn nhưng theo thời gian, nhìn các em biết đọc, biết viết là niềm hạnh phúc của chúng tôi”.

Mỗi ngày đến lớp được học kiến thức, gặp gỡ bạn bè, thầy cô là một niềm vui với các em

Được biết, mỗi ngày lên lớp, thầy cô phải vượt hơn hàng chục cây số, giảng dạy không lương, không phụ cấp, vất vả là vậy nhưng thầy cô chưa một lần có ý định bỏ lớp bởi thầy cô tâm niệm “Còn sức khỏe là còn đến lớp, còn học trò theo học là còn dạy”.

Song song với dạy kiến thức, thầy cô còn dạy các em về đạo đức, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Giờ đây, các em đã không còn tình trạng nói tục, đánh nhau hay ăn cắp vặt.

Em Phạm Trọng Hữu, ngụ phường 4, TP.Tân An chia sẻ: “Thầy cô dạy em và các bạn rất nhiệt tình, bên cạnh dạy chữ, thầy cô còn dạy chúng em điều hay lẽ phải, những kiến thức bổ ích trong cuộc sống”.

Ước mơ lớn nhất của những người đứng lớp chính là nhìn các học trò của mình biết đọc, biết viết

Ngoài ra, thầy cô còn thường xuyên vận động nhà hảo tâm tặng quà cho các em, đó có thể là túi gạo, thùng mì, quần áo, tập sách,… Tuy mang giá trị không lớn nhưng những phần quà đã phần nào làm ấm lòng những đứa trẻ nơi đây.

Có thể nói, lớp học tồn tại và duy trì đến ngày hôm nay là nhờ được “nuôi dưỡng” từ tình yêu thương của chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và những giáo viên có “tâm sáng, lòng trong” như cô Liêm, thầy Hoàng.

Ngần ấy năm giảng dạy, hàng trăm học sinh đến rồi đi, ở lớp học đặc biệt ấy, thầy cô không mơ ước các em trở thành bác sĩ hay kỹ sư mà chỉ mong mỏi một điều giản đơn là học trò của mình biết đọc, biết viết. Có lẽ, ngày các em đọc lưu loát một tờ báo, một quyển sách, viết được một lá đơn xin việc đã là niềm hạnh phúc lớn lao đối với thầy cô./.

Bùi Tùng – Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết