Tiếng Việt | English

02/12/2016 - 21:35

Lũ chồng lũ tại Bình Định đã khiến 7 người thương vong

Tuyến đường liên xã Nhơn An-Nhơn Phong, thị xã An Nhơn bị nước lũ chia cắt, giao thông đi lại rất khó khăn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Cuối tháng 11, đầu tháng 12/2016, một đợt mưa lũ lớn lại đổ về khiến nhiều địa phương của tỉnh Bình Định như Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, thành phố Quy Nhơn và Phù Mỹ… chịu cảnh tượng “lũ chồng lên lũ," người dân phải gồng mình ứng phó.

Tần suất mưa lũ quá lớn đã gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Theo số liệu báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến trưa ngày 2/12, mưa lũ đã làm 4 người chết, 3 người bị thương.

Các nạn nhân thiệt mạng gồm Phan Hồng Kiệt (năm 1984, ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, An Lão); Trần Thị Lệ Thủy (sinh năm 2011, học sinh trường Võ Xán, Phú Phong, Tây Sơn); Võ Văn Sược (sinh năm 1968, ở thôn Tân Thành 1 xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn); Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1973, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, huyện Phù Cát).

Mưa lũ làm ngập 5.914 ngôi nhà, 1.850 giếng nước; 8.146/10.125 ha l úa Đông Xuân; 1.670ha đã ngâm ủ giống chuẩn bị gieo sạ có khả năng bị hư hỏng; 730ha hoa màu, 4ha tôm bị thiệt hại; 220 ha ruộng bị sa bồi; trên 7km và 9.382m3 kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 128 đập tạm, đập bổi bị nước cuốn trôi; 150m đập thủy lợi, trên 1km bờ suối, 12 cống tiêu thoát lũ bị sạt lở.

Đường giao thông liên xã, huyện bị sạt lở 2.260m3 ; đường ĐT 629 tại An Hòa bị ngập, chia cắt đường Bồng Sơn-An Lão... Toàn địa bàn An Lão bị mất điện.

Trong suốt những ngày diễn ra mưa lũ, lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương các cấp đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại nặng về người và tài sản, động viên người dân đồng thời huy động các lực lượng bộ độ, công an, thanh niên xung kích bám sát địa bàn, giúp dân di chuyển người và tài sản vùng bị ngập sâu nguy hiểm lên nơi an toàn.

Sáng 2/12, phóng viên TTXVN đã có mặt tại thị xã An Nhơn, một trong những địa phương bị thiệt hại người và tài sản khá lớn do mưa lũ.  

Những thửa ruộng lúa vừa gieo sạ của nông dân huyện Hoài Ân vẫn còn bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ông Lê Minh Nhật, cán bộ bảo vệ Phường Nhơn Hưng cho hay, từ tối 1/12, do việc điều tiết nước ở thượng nguồn về quá lớn, mực nước các sông đi qua thị xã lên trên báo động 3 là 0,85m, người dân trong thị xã phải “một đêm thức trắng” để canh chừng nước ngập vào nhà, kịp thời di chuyển đồ đạc và người lên nơi cao.

Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã An Nhơn cho biết thêm, trong đêm 1/12, nước lũ lại đổ về với tần suất khá lớn và gây ngập úng ở nhiều địa phương trên địa bàn thị xã. Đến trưa 2/12, nước bắt đầu rút dần, thị xã đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng dùng bao cát hàn khẩu lại các đoạn đường giao thông bị sạt lở; cử lực lượng chốt chặn tất cả các đập tràn trên các tuyến đường vẫn còn ngập sâu không cho người dân tự ý qua lại.

Nhiều người dân trồng mai Tết đã thuê nhân công đưa hàng nghìn chậu mai bị ngập úng lên vùng cao để phục vụ Tết Đinh Dậu sắp đến. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định Trần Châu đã đi thị sát các địa bàn xung yếu.

Các địa phương phải làm hết sức mình để ứng phó với mưa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân; tăng cường thường trực theo dõi và quản lý vận hành điều tiết nước theo quy trình liên hồ chứa để vừa đảm bảo an toàn cho hồ chứa và đảm bảo an toàn cho vùng thấp trũng hạ du.

Sau khi lũ bắt đầu rút, các địa phương huy động mọi lực lượng giúp dân khôi phục lại đường giao thông, nhà cửa, ruộng đồng để phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017; làm tốt công tác an sinh xã hội, cứu trợ khẩn cấp đối với những gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết