Tiếng Việt | English

12/10/2015 - 09:28

Long An

Lũ không về, nông dân gặp khó

Đến thời điểm này, toàn tỉnh, diện tích lúa Hè Thu (HT) đã thu hoạch 219.833ha (diện tích gieo sạ 223.906ha) và Thu Đông (TĐ) đã thu hoạch 23.995ha (diện tích gieo sạ 48.431ha).Sau khi thu hoạch xong vụ HT, TĐ, nhiều nông dân đã chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ Đông Xuân (ĐX). Nhưng năm nay, vùng Đồng Tháp Mười lũ không về, ruộng đồng không có phù sa bồi đắp, không có nước làm vệ sinh đồng ruộng, cỏ dại để cắt nguồn lây lan dịch bệnh. Vụ ĐX 2015-2016 dự báo sẽ tăng chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và căng thẳng nhất là nước tưới. Đây chính là nỗi lo của nhiều người dân vùng Đồng Tháp Mười cho vụ ĐX sắp tới.


Nông dân chuẩn bị vụ Đông Xuân với nhiều nỗi lo

Theo anh Đỗ Văn Bé, ngụ ấp Láng Đao, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Tôi có 7ha trồng lúa trong nhiều năm, nhưng chưa thấy năm nào lũ nhỏ như năm nay. Cắt xong vụ lúa HT, các cống bọng đều mở sẵn để đón lũ vào ruộng,... nhưng không lũ. Để xuống giống theo lịch, đành phải dùng máy bơm nước vào ruộng tạo “lũ giả” rồi cày trục rơm rạ. Năm nay, nông dân sạ theo lịch sớm hơn 1 tháng so với năm trước”.

“Năm nay lũ nhỏ, người làm lúa sẽ gặp khó khăn, bởi họ không rửa được ruộng sau các vụ mùa trước còn để lại dư lượng phân, thuốc và mầm mống sâu bệnh. Và tất nhiên, phù sa không có cho đồng ruộng thì cũng là một thiệt thòi đáng kể”, anh Bé cho biết thêm.

Nông dân Đỗ Thanh Tòng, ngụ ấp Chồi Mồi, xã Tuyên Bình lo lắng: “Mấy chục năm qua, ở đây chỉ có lũ nhỏ hay lũ lớn. Nhưng năm nay, chờ hoài cũng chẳng thấy nước phù sa đổ về, ruộng không ngập nổi; không khéo phải bơm vào mới có nước xuống giống nếu trời không có mưa. Không có nước lũ, không chỉ gây khó khăn cho công tác vệ sinh đồng ruộng mà quan trọng nhất là mất nguồn phù sa. Điều đó đồng nghĩa với chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Với chi phí tăng, nếu mỗi công phải tăng thêm vài trăm ngàn tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì hơn 4ha ruộng lúa của tôi năm nay đã mất thêm vài triệu tiền đầu tư và không biết cuối vụ có bị hạn mặn gì không?”.


Nhiều nỗi lo trong vụ Đông Xuân năm nay

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Long An: “Đỉnh lũ năm 2015 trên vùng Đồng Tháp Mười có khả năng báo động I, thấp hơn trung bình nhiều năm. Dự báo đỉnh lũ năm 2015 trên sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mê kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 – 40%. Nên các tháng đầu mùa khô 2015-2016, mực nước ở các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Long An sẽ cao hơn, sớm hơn so cùng kỳ của mùa khô năm 2014-2015 và trung bình nhiều năm, tình hình thiếu nước có khả năng xảy ra trên diện rộng. Do đó các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An, cần sớm có các biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn”.


Nông dân chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ Đông Xuân

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng chỉ đạo: “Các địa phương tập trung hướng dẫn, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, rửa phèn chuẩn bị vụ ĐX 2015-2016. Tuyên truyền, khuyến cáo nông dân gieo sạ lúa ĐX niên vụ 2015-2016 xong đợt 1 đồng loạt né rầy theo lịch thời vụ (từ ngày 4 đến 14-10-2015). Trước tình hình lũ thấp cần khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa HT muộn và TĐ thì phải tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng ngay”.

“Đến thời điểm này, một số địa phương đã xuống giống nhưng diện tích chưa nhiều, vài tuần nữa diện tích xuống giống sẽ lên hàng trăm hécta. Trước tình hình không có lũ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên nôn nóng mà phải tuân thủ theo đúng lịch thời vụ. Nhằm hạn chế tối đa về sâu bệnh cho vụ ĐX, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân cần vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống xác nhận. Còn đối với những nơi không có lũ vào tới ruộng, người dân cần xử lý rơm rạ thật kỹ, cày xới đất và bón vôi trước khi xuống giống” - ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm./.

Lê Huỳnh
 

Chia sẻ bài viết