Tiếng Việt | English

09/05/2024 - 08:44

Lừa đảo cài đặt dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây, một số đối tượng giả danh cán bộ công an, UBND xã, phường, thị trấn gọi điện thoại cho người dân và thông báo căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, chưa cập nhật thông tin bằng lái xe, cà vẹt xe,... Từ đó, các đối tượng hướng dẫn người dân cài phần mềm dịch vụ công (app) giả mạo và lấy dữ liệu từ xa rồi chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo

Anh L. (TP.Hà Nội) nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ công an quận hỗ trợ xử lý căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục. Do đang đi làm xa nên anh hẹn hôm sau, trong khi đối tượng giả danh yêu cầu anh hỗ trợ gấp để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cấp trên. Vì anh ở xa nên đối tượng hướng dẫn tải phần mềm theo đường link của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa. Thấy phần mềm có giao diện giống như giao diện dịch vụ công trực tuyến nên anh tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau đó, điện thoại của anh bị chiếm quyền điều khiển ngầm và tài khoản ngân hàng của anh bị kẻ mạo danh chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Trường hợp khác, chị N. nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an phường thông báo chị chưa làm định danh mức 2, cần cập nhật thông tin trong hệ thống. Sau đó, một “cán bộ công an” khác gọi điện thoại hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập để tải phần mềm Dichvucong.apk, quét vân tay và nhận diện khuôn mặt. Thực hiện xong thao tác, chị N. tá hỏa phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 500 triệu đồng.

Anh V. sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên phường làm thủ tục, đã bị chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Theo báo cáo của Công an TP.Hà Nội, chỉ riêng trong tháng 01/2024, đơn vị tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỉ đồng, trong đó người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỉ đồng.

Hiện nay, tình trạng lừa đảo cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo diễn ra ngày càng phức tạp nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân. Các ứng dụng này đều chứa mã độc, khi cài vào điện thoại, kẻ lừa đảo sẽ lấy cắp mã OTP, thông tin tài khoản và thu thập hết toàn bộ thông tin có trên máy, chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của người dân.

Để tiến hành kịch bản lừa, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh cán bộ, viên chức cơ quan nhà nước yêu cầu nạn nhân hợp tác phục vụ công việc; hướng dẫn nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng giả mạo; ứng dụng giả mạo kết nối và nhận lệnh từ máy chủ của kẻ lừa đảo (hacker); sau đó, chúng theo dõi, đánh cắp từ xa dữ liệu trên thiết bị người dùng và dễ dàng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trước tình trạng mạo danh cán bộ nhà nước lừa đảo cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, nhất là những cuộc gọi tự xưng là cán bộ của các cơ quan nhà nước. Người dân từ chối làm việc, cung cấp thông tin cá nhân và cũng từ chối làm theo các yêu cầu của đối tượng qua điện thoại.

Người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm, không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk; không nên lưu mật khẩu ngân hàng trên các ứng dụng ghi chép của điện thoại (app note); đồng thời, thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh chủ động phòng ngừa./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết


Giải pháp bảo mật​ hệ thống công nghệ thông tinGia hạn Chữ ký số OneCa giá rẻ