Tiếng Việt | English

25/06/2021 - 13:00

Lúa Hè Thu rớt giá, khó tiêu thụ

Hiện nay, nông dân các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu (HT) năm 2021. Tuy nhiên, giá lúa liên tục giảm và việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Vụ HT 2021, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được hơn 215.500ha, đạt 100,2% kế hoạch. Hiện nhiều trà lúa ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng,... đã đến ngày thu hoạch.

Tuy mới đầu vụ nhưng giá lúa liên tục giảm khiến nông dân lo lắng về thành quả của vụ mùa. Anh Nguyễn Văn Vững, ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, có 4,6ha lúa HT giống OM18 chuẩn bị thu hoạch. Anh Vững cho biết: “Từ đầu vụ, do nghĩ giá lúa sẽ giữ ở mức tốt như vụ Đông Xuân nên tôi không nhận đặt cọc trước từ thương lái. Theo ước tính, năng suất vụ này chỉ đạt khoảng 5-5,5 tấn/ha. Với giá 5.200 đồng/kg, nếu trừ chi phí, tôi chỉ còn lãi chưa đến 10 triệu đồng/ha”.

Không chủ quan như anh Vững, ông Lê Văn Trường, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Từ cuối tháng 5 đã có thương lái đến đặt cọc lúa với giá 6.000 đồng/kg, thấy giá cao hơn vụ HT năm trước và có lãi nên tôi đã đồng ý”. Thế nhưng, điều khiến ông Trường và nhiều người dân đã nhận đặt cọc lúa lo lắng là khi đến ngày thu hoạch, các thương lái có thể sẽ hạ giá so với mức đặt cọc do giá lúa giảm liên tục trong những ngày qua.

Giá lúa Hè Thu giảm, khó tiêu thụ

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Tâm cho biết: Hiện nay, nông dân trên địa bàn xã bước vào giai đoạn thu hoạch lúa HT. Tính đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch khoảng 1.200ha. Nhìn chung, giá lúa hiện nay thấp hơn so với vụ Đông Xuân từ 600-1.000 đồng/kg. Cùng với đó, năng suất vụ này cũng không cao, chỉ từ 4-4,5 tấn/ha nên lợi nhuận cũng không được cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng thông tin: Vụ HT 2021, toàn huyện xuống giống hơn 36.700ha, đã thu hoạch trên 8.400ha, năng suất đạt từ 5,5-7 tấn/ha, giá bán dao động từ 5.500-6.500 đồng/kg, nông dân có lãi nhưng không cao.

Cũng theo ông Hùng, vụ này, nông dân gặp nhiều bất lợi về thời tiết và dịch bệnh. Ngay từ đầu vụ, nhiều diện tích đã phải gieo sạ lại do ảnh hưởng của mưa, chuột và ốc bươu vàng. Bên cạnh đó, giá các loại phân bón cũng tăng mạnh từ đầu năm dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì giá lúa lại giảm, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, chỉ còn khoảng 7-10 ngày nữa, nông dân sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa HT 2021. Tuy nhiên, thương lái lại vắng bóng. Ông Nguyễn Văn Đỡ, ngụ xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, có 2,2ha lúa HT giống IR 4625 chuẩn bị thu hoạch. Ông Đỡ cho hay, hàng năm, vào giai đoạn này, thương lái thu mua lúa đã nhộn nhịp. Còn năm nay, không khí lại khá trầm lắng. Vì vậy, nông dân đang lo lắng vì không biết phải tiêu thụ lúa như thế nào. “Vụ này, thời tiết khá thuận lợi nhưng chi phí sản xuất tăng do giá phân bón, thuốc tăng. Mặt khác, gần đến ngày thu hoạch thì giá lúa liên tục giảm, thương lái chẳng thấy đâu nên nông dân chúng tôi đang rất lo lắng về đầu ra” - ông Đỡ chia sẻ.

Lý giải về việc vắng bóng thương lái thu mua lúa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết: Từ trước đến nay, ngoài các diện tích lúa đã hợp đồng thu mua trong mô hình Cánh đồng lớn, các diện tích bên ngoài mô hình đều được nông dân bán cho thương lái. Hầu hết thương lái đều đến từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhiều nhất là thương lái đến từ Tiền Giang nhưng thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn, thương lái cũng vì vậy mà vắng bóng trên những cánh đồng.

"Việc tăng cường liên kết, phát huy vai trò của các hợp tác xã và tổ hợp tác trong thực hiện khâu phơi, sấy và trữ lúa sau thu hoạch là rất cần thiết. Vì nó góp phần hạn chế được tình trạng bị động khi lúa chín vào các thời điểm có mưa gió cần gặt ngay mà thương lái chậm thu mua, giá lúa sụt giảm như hiện nay” - ông Lâm cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết