Tiếng Việt | English

07/06/2021 - 08:39

Tuân thủ khuyến cáo để sản xuất vụ lúa Hè Thu thắng lợi

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tập trung xuống giống và chăm sóc lúa Hè Thu (HT) 2021. Để sản xuất hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ và chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên lúa.

Tích cực chăm sóc

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 212.628ha lúa HT, đạt 98,9% kế hoạch (215.000ha), bằng 138,7% so với vụ HT năm 2020. Trong đó, HT sớm xuống giống khoảng 50.000ha, tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, thu hoạch 35.842ha, năng suất khô ước 63,8 tạ/ha, sản lượng 228.674tấn, những diện tích HT sớm còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ.

Nông dân chủ động chăm sóc lúa Hè Thu 2021

Về tình hình sâu, bệnh, hiện nay, trên 3.400ha lúa HT bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng gần 1.000ha so với tuần trước, chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh ở huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, ốc bươu vàng (753ha), rầy nâu (375ha), chuột (139ha), bọ trĩ (94ha), sâu đục thân (50ha), sâu cuốn lá nhỏ (25ha), ngộ độc phèn (25ha),… gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường.

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, những ngày tới, mật độ rầy cám T1-T2 sẽ xuất hiện rải rác, ốc bươu vàng, ngộ độc phèn, bọ trĩ, chuột,... phát sinh trên lúa mới gieo sạ ở các huyện: Tân Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Tân Trụ. Các loại bệnh: Đạo ôn lá, sâu đục thân, bệnh cháy bìa lá, rầy cánh phấn,... tiếp tục phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ. Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, chuột,... sẽ phát sinh trên lúa giai đoạn trổ chín ở huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.

Anh Lâm Văn Phú, ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, bộc bạch: “Vụ này, tôi gieo sạ 2,5ha theo lịch thời vụ đợt I, hiện lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Những ngày qua, ốc bươu vàng và chuột xuất hiện và gây hại, tuy nhiên mật độ chưa nhiều”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng, vụ lúa HT 2021, nông dân gieo sạ 36.740ha. Số diện tích gieo sạ sớm đã thu hoạch trên 8.200ha, số diện tích còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ. Hiện nay, nhiều trà lúa bị sâu đục thân và chuột gây hại.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ Hè Thu

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin, qua thống kê và thăm đồng của các kỹ sư nông nghiệp, ngành Nông nghiệp huyện nhận thấy sâu đục thân tăng diện tích nhiễm trên lúa đẻ nhánh với hơn 130ha, trong đó có 20ha nhiễm nặng, tỷ lệ trên 20% tại các xã: Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng. Bên cạnh đó, diện tích bị chuột cắn phá tăng trên những trà lúa gieo sạ sau tại các xã: Vĩnh Châu B, Hưng Thạnh và Vĩnh Thạnh.

Ông Ngô Tấn Hưng, ngụ xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, nói: “Gia đình tôi có 3ha đất, đã gieo sạ lúa HT cách nay hơn 50 ngày theo lịch gieo sạ đợt 1 của ngành Nông nghiệp. Hiện lúa trong giai đoạn đòng trổ, tôi đang tích cực chăm sóc. Hy vọng, vụ này cũng sẽ thắng lợi như vụ Đông Xuân”.

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, đến nay, huyện có trên 28.414ha lúa HT, trong đó có một số diện tích gieo sạ không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Hiện nay, một số loại sâu, bệnh trên lúa HT bắt đầu xuất hiện và gây hại với mật độ tăng dần. Trước tình hình trên, phòng NN&PTNT huyện cùng các địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng trừ sâu, bệnh để bảo đảm vụ HT sản xuất hiệu quả.

Còn tại huyện Thạnh Hóa, vụ HT 2021 gieo sạ được hơn 17.482ha, trong đó có hơn 1.800ha lúa gieo sạ sớm đã thu hoạch, năng suất khô 52 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Nguyên, ngụ ấp 2, xã Thạnh An, chia sẻ: “Vụ HT này, tôi gieo sạ hơn 2ha lúa IR4625. Đầu vụ, lúa phát triển khá tốt, ít sâu, bệnh. Nhưng đến giai đoạn làm đòng, lúa bị bệnh đạo ôn, làm giảm năng suất. Ước tính vụ này, năng suất lúa từ 55-60 tạ/ha. Với giá bán 5.500 đồng/kg, gia đình tôi không có lãi”.

Nhiều hộ nông dân khác ở khu vực ấp 2, xã Thạnh An cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, do bệnh đạo ôn mà năng suất lúa giảm. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: Hiện nay, nhiều diện tích lúa HT ở khu vực ấp 2 đã thu hoạch xong, người dân đang tích cực vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ Thu Đông. Do nhiều loại dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến năng suất lúa nên ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp địa phương khuyến cáo nông dân không nên vội gieo sạ để tránh mầm bệnh lây lan sang vụ lúa Thu Đông.

Cần tuân thủ khuyến cáo

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp đưa ra nhiều khuyến cáo để nông dân sản xuất vụ HT 2021 đạt hiệu quả. Về cơ cấu giống lúa, ưu tiên chọn những giống lúa xác nhận, có tính chống chịu cao trong điều kiện hạn, mặn, phèn và sâu, bệnh, phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu như OM 5451, OM 4900, RVT, NH9, ST24, nếp IR4625, Đài thơm 8, AS996, OM5451, OM6976,... Mật độ gieo sạ tùy theo chọn phương pháp cấy hay gieo sạ thẳng, mức khuyến cáo từ 80-100kg/ha.

Nhiều diện tích lúa Hè Thu sớm đã thu hoạch nhưng năng suất không cao

Về lịch gieo sạ, các địa phương khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung theo lịch khuyến cáo của tỉnh cho những vùng chủ động nguồn nước tưới, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm. Theo đó, thời gian chậm nhất để người dân hoàn tất gieo sạ vụ HT là từ ngày 13 đến 25-6-2021. Đối với những vùng không chủ động nước tưới, chủ yếu lệ thuộc vào mưa thì kiên quyết không xuống giống khi mùa mưa chưa bắt đầu nhằm tránh thiệt hại.

Cùng với đó, do đầu vụ gặp nắng hạn, nhiệt độ cao, khả năng cuối vụ lượng mưa sẽ tăng và dồn dập, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng gây hại như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt,… ở giai đoạn lúa làm đòng - chín. Vì vậy, nông dân cần thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sâu, bệnh sớm để phòng trừ kịp thời, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, bệnh theo tập quán, thói quen là phun sau các lần rải phân bón; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chương trình không phun thuốc trừ sâu sớm từ 0-40 ngày tuổi, nên áp dụng biện pháp sinh học để phòng trừ như trồng hoa sinh thái bờ ruộng, sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá,...

“Hiện Sở phối hợp các địa phương khuyến cáo nông dân theo dõi sát các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên lúa HT; chủ động theo dõi bẫy đèn, quan sát thành trùng sâu năn và rầy nâu vào đèn; áp dụng biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm” trong sản xuất lúa. Ngoài ra, Sở còn đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thời tiết cực đoạn và thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm và chủ động trong sản xuất” - ông Thiện cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết