Mô hình Nam giới điểm 10, một trong những mô hình hiệu quả góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, tuy nhiên, theo một số thẩm phán trực tiếp làm công tác xét xử thì phần lớn các vụ ly hôn thường bắt nguồn từ mâu thuẫn về kinh tế. Từ mâu thuẫn về kinh tế sẽ kéo theo rất nhiều những mâu thuẫn khác dẫn tới các cặp vợ chồng quyết định đi đến chấm dứt hôn nhân.
Mặt khác hiện nay, thủ tục ly hôn quá đơn giản, không cần qua các bước hòa giải tại cơ sở cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số vụ việc ly hôn.
Đa số vụ việc ly hôn do mâu thuẫn về kinh tế
Theo số liệu của TAND tỉnh Long An, trong số hơn 6.500 vụ việc ly hôn do tòa án 2 cấp thụ lý thì nguyên nhân dẫn đến ly hôn hiện nay thường tập trung do mâu thuẫn về gia đình còn lại là các nguyên nhân khác như bạo lực gia đình, ngoại tình,…
Tuy nhiên, lý do dẫn đến mâu thuẫn về gia đình chính là bắt nguồn từ mâu thuẫn về kinh tế. Mâu thuẫn về kinh tế sẽ kéo theo rất nhiều những mâu thuẫn khác dẫn tới các cặp vợ chồng quyết định đi đến chấm dứt hôn nhân.
Theo Thẩm phán TAND huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Mộng Thúy, sau nhiều năm làm công tác xét xử, đối với các vụ việc hôn nhân - gia đình thì nguyên nhân dẫn đến ly hôn thường bắt đầu từ mâu thuẫn kinh tế và được chia làm 5 mốc thời gian.
Thứ nhất là kết hôn trong khoảng thời gian 1 năm, lý do ly hôn thường là bất đồng quan điểm, không hợp. Giai đoạn này các cặp vợ chồng ly hôn trong tự nguyện để tìm cuộc sống mới.
Giai đoạn 2, thời gian kết hôn từ 1-3 năm, đây là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các cặp vợ chồng trẻ, nhất là về điều kiện kinh tế khi chi phí sinh hoạt gia đình, nuôi dạy con cái tăng cao vượt quá khả năng chi trả. Nhiều cặp vợ chồng thường cảm thấy hôn nhân không có màu hồng, những tật xấu của vợ hoặc chồng dần bộc lộ khiến đối phương “vỡ mộng”. Từ đây kéo theo nhiều mâu thuẫn khác dẫn đến chán nản, nảy sinh những tật xấu rồi tiến tới ly hôn. Giai đoạn này, tỷ lệ ly hôn thường chiếm khoảng từ 70-80% và ở độ tuổi từ 20-25 tuổi.
Giai đoạn thứ 3 là khi con cái đã bắt đầu trưởng thành, lúc này một trong 2 phía bắt đầu xuất hiện những tình cảm ngoài luồng, thường so sánh đối phương với những người xung quanh, do đó dễ dàng dẫn đến ngoại tình rồi ly hôn.
Giai đoạn thứ 4 là sau kết hôn 15 năm, lúc này dù đã vượt qua những áp lực về kinh tế nhưng nhiều người tìm đến ly hôn mà không có nguyên nhân rõ ràng. “Giai đoạn này ly hôn là do tổng hợp từ tất cả những mâu thuẫn trước đó, ấp ủ lâu ngày và chỉ cần một lý do để bùng phát” - Thẩm phán Nguyễn Thị Mộng Thúy cho biết.
Giai đoạn cuối cùng dẫn đến ly hôn là sau khi kết hôn 20 năm. Lúc này cuộc sống hôn nhân tưởng chừng viên mãn thì cũng là khoảng thời gian người phụ nữ bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, không còn nhu cầu về tình dục. Chính vì vậy, người đàn ông thường sẽ có tâm lý, xu hướng ngoại tình để bù đắp đời sống tình dục trong hôn nhân. Khi bị phát hiện thì sẽ dễ dẫn tới ly hôn. “Chỉ khi nào cuộc hôn nhân trải qua 5 mốc thời gian trên thì lúc đó hôn nhân mới bền vững” - Thẩm phán Nguyễn Thị Mộng Thúy cho biết.
Thiếu các thủ tục tiền tố tụng trước khi ly hôn
Ngoài các nguyên nhân dẫn đến ly hôn hiện nay thì việc thụ lý giải quyết các vụ việc ly hôn quá dễ dàng, không cần thông qua các bước hòa giải tại cơ sở cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao hiện nay.
Tại huyện Đức Hòa, trung bình 1 ngày TAND huyện phải thụ lý giải quyết khoảng 5 vụ ly hôn.
Thẩm phán TAND huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Mộng Thúy cho biết: “Hiện nay, việc thụ lý đơn ly hôn quá dễ dàng. Những cặp vợ chồng muốn làm thủ tục ly hôn chỉ cần nộp đơn trực tiếp tại TAND hoặc qua đường bưu điện, thư điện tử kèm theo giấy chứng minh nhân dân, giấy kết hôn và hộ khẩu là đủ điều kiện để TAND thụ lý giải quyết. Người đến xin làm thủ tục giải quyết ly hôn cũng không cần bắt buộc phải thực hiện các bước hòa giải, hàn gắn đoàn tụ tại cơ sở”.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương có tỷ lệ ly hôn cao như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An, các thẩm phán cũng cho rằng chính từ việc thụ lý đơn ly hôn dễ dàng như hiện nay đã phần nào khiến các cặp vợ chồng, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ dễ đi đến quyết định ly hôn.
Trong khi chính những thủ tục tiền tố tụng như hòa giải tại thân tộc, hòa giải tại xóm, ấp, hòa giải tại xã, phường là những thủ tục tiền tố tụng rất quan trọng.
Nếu trước khi thụ lý đơn ly hôn, những cặp vợ chồng bắt buộc phải trải qua các thủ tục tiền tố tụng trên thì phần nào sẽ giúp các đôi vợ chồng nhận ra được những mâu thuẫn để hàn gắn. Những người trong gia đình, xóm, ấp sẽ có những tiếng nói, phân tích quan trọng để các cặp vợ chồng có thể cùng nhau soi rọi lại quãng thời gian chung sống, cùng nhìn nhận những lỗi lầm, những bất đồng trong đời sống hôn nhân để cùng nhường nhịn, chung tay vun đắp lại hạnh phúc gia đình. Còn khi đã đến tòa án dù vẫn được thực hiện thủ tục hòa giải đoàn tụ nhưng phần lớn là không thành.
“Thực tế công tác xét xử các vụ án cho thấy, rất nhiều vụ án ly hôn xuất phát từ những mâu thuẫn không lớn, thậm chí chỉ là những mâu thuẫn nhỏ hết sức bình thường trong cuộc sống nhưng không được hòa giải kịp thời, từ mâu thuẫn nhỏ sẽ kéo theo nhiều mâu thuẫn khác, lâu ngày khi cảm thấy không còn chịu đựng được nhau trong đời sống hôn nhân thì các cặp vợ chồng quyết định đi đến ly hôn. Đến lúc này, dường như công tác hòa giải đoàn tụ tại tòa án chỉ còn là một thủ tục trước khi ly hôn” - thẩm phán Nguyễn Thị Mộng Thúy khẳng định.
Xây dựng gia đình hạnh phúc, nền tảng của hôn nhân bền vững
Ly hôn gia tăng trong những năm gần đây là một phần hệ quả của đời sống hiện đại. Quan hệ mẫu mực của vợ chồng, nếp sống trong gia đình truyền thống đang bị ảnh hưởng trước sự phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế thị trường.
Nhìn thẳng vào vấn đề, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Minh Hiếu cho rằng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện nay đang có biểu hiện xuống cấp, lệnh chuẩn so với quy ước. Trong đó, các cặp vợ chồng, nhất là những cặp vợ chồng trẻ không còn dành nhiều thời gian để cùng nhau sẻ chia về cuộc sống và đang bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền. Thực trạng đó đặt ra nhiều vấn đề trong xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện nay.
Ông Hiếu cho rằng, mấu chốt để giảm ly hôn hiện nay chính là nằm ở mỗi gia đình, các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, trách nhiệm của chính bản thân mình, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ để vun vén hạnh phúc là cách để xây dựng gia đình hạnh phúc, hôn nhân bền vững.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người. Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan chính là cách để xây dựng nền tảng vững chắc trong hôn nhân và cũng là để thực hiện hiệu quả mục tiêu: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” của Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 - ông Hiếu khẳng định./.
Kiên Định