Từ chợ về, mắt má đỏ hoe. Anh lo lắng: “Sao má buồn vậy?”. Má nói: “Không có gì đâu” rồi đi thẳng ra hồ nước.
Nhà không thể gọi là giàu nhưng có chút của ăn của để. Những nhọc nhằn của thời một nách ba con đang tuổi ăn, tuổi học đã lùi xa.
Ảnh: Internet
Miếng ruộng của ngoại để lại cũng cho người ta mướn, mỗi năm lấy vài chục giạ lúa cũng đủ ăn. Má giờ chỉ ở nhà, chợ búa, cơm nước, nuôi thêm mấy con heo, bò, gà, vịt. Khỏe thì mần, mệt thì nằm nghỉ. Không còn ai nói nặng nói nhẹ đến má nữa.
Vậy thì tại sao má buồn?
Mới nửa tiếng trước, má còn vui vẻ xách giỏ đi chợ mua bột, tép sông, cải bẹ xanh để đổ bánh xèo. Nay chủ nhật, con gái và cháu ngoại của má về chơi. Trong nửa tiếng đó, má đã gặp ai, có chuyện gì xảy ra mà tâm trạng má lại thay đổi nhanh đến vậy?
Anh nhìn ra hồ nước. Đôi vai má rung rung dưới nắng sớm. Anh chạy nhanh về phía mái đầu đã có nhiều sợi bạc. Má khóc. Nghẹn ngào. Anh hốt hoảng:
- Có chuyện gì vậy má?
- Không có gì đâu! Bây hái giùm má ít lá xoài, lá nghệ, lá lốt đi. Ăn bánh xèo mà không có mấy thứ đó sẽ bớt ngon.
Biết tính má không thích nói hoài. Anh chần chừ một chút rồi đi.
Gần ba mươi năm làm con của má, đây là lần thứ hai anh thấy má khóc. Hồi ba bỏ đi, anh còn đỏ hỏn nên má có khóc hay không thì anh không biết được. Lần đầu tiên anh thấy má khóc là hồi anh học lớp chín. Bận đó, má đi cắt lúa mướn xa nhà. Hai chị lên thị trấn trọ học. Anh ở nhà một mình.
Có đêm, anh bị đau bụng. Không phải kiểu đau lăn lộn, đau sống đau chết mà cứ âm ỉ đau. Không nằm yên một chỗ được. Đêm khuya. Nhà không có nổi một chai dầu hay lọ thuốc tiêu. Anh chỉ biết ôm bình rượu chuối hột và trở kiểu nằm liên tục. Hết nằm ngửa thì chuyển qua nằm sấp.
Nghiêng bên phải, rồi nghiêng bên trái. Nằm chổng mông. Ngồi tựa lưng vào vách đất. Mỗi lần trở mình như vậy, anh hớp vài ngụm rượu thuốc, mong bụng đỡ đau.
Anh được hàng xóm chở đến bệnh viện vào trưa hôm sau. Bác sĩ la ầm ĩ: “Sao chở lên đây sớm dữ vậy, không để ruột thừa nó bể rồi chở lên luôn!”.
Hàng xóm gãi gãi đầu: “Nó... nó không phải con tui”. Ca mổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Khi anh nhận biết được xung quanh thì ngoài trời đã tối om và đã có má bên cạnh với hai dòng nước mắt đầm đìa từ gương mặt sạm nắng. Hồi đó chưa có điện thoại di động và chuyện đi lại chưa dễ dàng như bây giờ, không biết bằng cách nào, ai đã báo tin và má làm sao để kịp về với anh trong ngày hôm đó?
Má đưa bàn tay sưng vù, có nhiều vết thương do vỏ ốc, lá lúa hoặc lưỡi liềm cắt phải, chặn vài giọt nước tủi thân đang rịn ra từ hai khóe mắt anh: “Con có sao không?”.
Thấy được mặt má, nghe được tiếng má, ngửi được mùi mồ hôi quen thuộc của má, anh dễ chịu vô cùng. Vậy mà không hiểu sao, anh nức nở theo má một cách ngon lành.
Còn lần này, má khóc một mình. Anh không biết chuyện gì và cũng không còn là cậu bé mười lăm nên không thể khóc ngon lành theo má như xưa. Nhưng cảm giác khó chịu là có thật.
Cứ như một tảng đá lớn đè nặng lòng anh. Và không hiểu sao, anh cảm giác như mình là người có lỗi trước những giọt nước mắt của má. Nên anh cứ ngồi thừ ra trước rổ rau mới hái, mặc cho nước từ vòi tuôn ra xối xả. Và má đến bên cạnh lúc nào anh cũng không hay.
Má ngồi xuống, đưa tay khóa vòi nước lại rồi chậm rãi nói:
- Không phải má mới buồn hôm nay, mà từ gần một năm trước khi bây nghỉ việc nhà nước về nhà. Không đêm nào má ngủ ngon. Mai mốt bây có con đi rồi bây biết lòng của cha mẹ khi có đứa con bằng tuổi này mà còn long đong, lận đận thì sẽ buồn lo đến mức nào. Má cho bây đi học là để ít ra bây được sống cuộc đời vui vẻ và sung sướng hơn má, không đòi hỏi bây phải làm “ông này, bà nọ” gì nhưng ít ra cũng có công việc ổn định để tự lo cho bản thân và vợ con sau này nữa chứ.
- Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta có những lựa chọn khác nhau má à. Con lựa chọn về nhà không có nghĩa là con không làm được việc gì hết, không có nghĩa là con đã thất bại. Đó chỉ là một lựa chọn để nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng để mà bước tiếp với những điều làm cho cuộc sống của con ý nghĩa và vui vẻ hơn thôi má.
Anh đỡ má đứng dậy.
- Ừ, bây tính sao coi cho được thì tính, nếu má chỉ chú tâm đến chuyện kiếm tiền thì má đã bắt bây nghỉ học từ năm lớp chín, rồi mượn chứng minh nhân dân người khác cho bây vô xí nghiệp làm công nhân như bao đứa xứ này lâu rồi.
Những giọt nước mắt của má sáng nay vì lo cho bây và vì chưa hiểu được lựa chọn gì đó của bây. Ở giữa chợ, con Lan nó la ông ổng, con nghe hàng xóm đồn là thằng Sinh ăn học nhiều quá giờ bị điên chữ, không làm gì được, về nhà ở luôn rồi hả dì Bảy?
Anh thẩn thờ vài giây, trước sự quan tâm có phần độc ác của người đời. Rồi vội vàng trấn an lòng má:
- Phải con mang tiếng lừa gạt, trộm cướp gì thì má buồn, còn cái này mình suy nghĩ khác đám đông một chút, mình lựa chọn khác đám đông một chút thì đám đông không hiểu được nên nói càn nói bậy vậy thôi, hơi sức đâu má buồn!
Dù còn chút ủ dột, nhưng má đã chịu cười. Anh ôm ngang bụng má, cười theo:
- Con sẽ ở nhà làm đứa trai hư để được nghe má la rầy hết năm nay nữa. La rầy cỡ nào con cũng chịu. Nhưng hứa với con là: Má đừng khóc nữa nghen!./.
Lê Minh Tú