Tiếng Việt | English

25/04/2022 - 12:15

Má Ba cơm nguội

Tại Nhà văn hóa ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngoài bàn thờ Bác Hồ như thường thấy còn có 1 bàn thờ khác - bàn thờ má Ba cơm nguội. Ngoài bàn thờ được lập tại nhà văn hóa ấp, má Ba còn được cô Mười Chưởng (cô Trần Thị Kiều - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh) thờ tại nhà dù cô với má chẳng bà con, thân thích. Để hiểu hơn về má Ba cơm nguội, chúng tôi đến gặp cô Mười.

1. Cô Mười sống ở phường 5, TP.Tân An trong căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng và chứa đầy ký ức. Những bức ảnh về thời gian hoạt động cách mạng, công tác của cô Mười được treo trên tường. Tủ sách nhỏ với nhiều sách quý khiến khách ghé thăm không khỏi ngưỡng mộ. Giữa nhà là bàn thờ nghiêm trang thờ 2 người phụ nữ. Một người là mẹ của cô Mười, người còn lại là má Ba cơm nguội. Cô Mười thờ má Ba từ năm 1991 đến nay, xem má Ba như má ruột của mình bởi cô quý trọng tấm lòng của má.

Cô Mười là một trong số ít người còn lại hiểu rõ câu chuyện về má Ba cơm nguội

Cuối năm 1968, Nixon thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Địa chí Long An miêu tả giai đoạn đó như sau: “Cuối năm 1968 và suốt năm 1969, địch mở những cuộc càn quét dữ dội, liên tục... Chúng dùng xe ủi phát lũy tre, rừng cây, làm bật các hầm bí mật. Trên mặt nước, ngoài căn cứ hải đoàn của Mỹ ở Bến Lức, Tân An, Mộc Hóa, Cầu Nổi, chúng lại đưa hạm đội nhẹ đến hoạt động ngày và đêm trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc nhằm chia cắt, bao vây, đánh phá các vùng giải phóng của ta”. Những hoạt động đó vừa tiêu hao lực lượng vũ trang của ta, vừa thu hẹp vùng giải phóng. “Thế quân sự và chính trị của ta lúc này bị suy giảm nghiêm trọng”. Đến năm 1970, hoạt động của địch chuyển dần sang “hành quân phát quang”, "hành quân cảnh sát". “Chúng kiểm tra gắt gao từng gia đình, bắt ép quần chúng vào đảng Dân chủ, chia rẽ quần chúng và cán bộ cách mạng, gieo nghi kỵ giữa cán bộ và nhân dân”(*).

Thời điểm đó, Tân Trụ là một trong những vùng chiến sự ác liệt, nơi bọn địch thực hiện 3 sạch: “Phá sạch, đốt sạch, giết sạch”. Cô Mười kể: “Giai đoạn năm 1969, bọn giặc đã tăng cường càn quét tại Long An. Lúc đó, tôi đi học trên R, đến năm 1970 thì về lại Tân Trụ với nhiệm vụ xây dựng cơ sở, khôi phục phong trào. Chúng nó phát sạch, chặt sạch lá, đốt nhà dân, gom dân vào ấp chiến lược, rải chất độc da cam vào sông, lá. Cán bộ ta hầu như không bám trụ được. Năm 1970, khi huyện ủy mới được thành lập thì vẫn phải bám ở Cần Đước, Châu Thành, nơi còn địa hình để trú ẩn, đêm mới có thể về hoạt động. Thời điểm đó, má Ba bắt đầu hoạt động. Má tên thật là Lê Thị Lê. Giai đoạn khó khăn nhất, Tân Trụ chỉ còn lại 1 tổ bộ đội bám trụ. Má Ba là người trực tiếp lo cơm nước cho các anh. Sau, má còn làm giao liên, đưa thư cho cán bộ ta. Công của má lớn lắm!”.

Theo lời kể của cô Mười, vì không còn nơi trú ẩn, tổ bộ đội bám trụ lại Tân Trụ lúc bấy giờ phải trốn dưới lúa. Ban ngày, các chú, các bác nằm ép mình dưới đất sình, phơi mình chịu nắng, đêm đến mới có thể ra ngoài. Thương bộ đội ta cực khổ, má Ba ngày ngày nấu cơm, trời nhá nhem tối má mang cơm để trong hốc cây ở góc bờ, chờ bộ đội ta lên lấy. Ngày qua ngày, má chưa từng quên bỏ một bữa nào. Sợ “mấy đứa” đói bụng nên lúc nào nhà má cũng có sẵn cơm trong nồi. Bất kể nửa đêm hay gần sáng, chỉ cần bộ đội ghé nhà, lúc nào nhà má cũng sẵn cơm. Cái tên má Ba cơm nguội từ đó mà thành. Má Ba sống đơn độc, cuộc sống chẳng khá giả gì. Gạo nhà nấu nhiều cũng hết, má đi vận động bà con, hàng xóm, ai cho gì má cũng nhận, đem về nuôi bộ đội. Nồi cơm nhà má như cơm Thạch Sanh, vơi rồi lại đầy, mãi tới ngày giải phóng miền Nam, giành thắng lợi hoàn toàn.

Cô Mười nói, cô thương và quý má Ba rất nhiều bởi cô cảm nhận được tình thương bao la của má dành cho cách mạng. Không chỉ lo cho cán bộ, má thương và lo cả cho du kích. Nhà má lúc nào cũng sẵn củi bập dừa khô cho du kích gánh về nấu cơm. Không chỉ nuôi bộ đội, má còn làm giao liên cho cán bộ ta. Giữa thời điểm địch tăng cường bố ráp, bắt bớ, cơ sở cách mạng tan rã tại Tân Trụ thì má là người đứng ra đưa thư dưới vỏ bọc một bà múa bóng. Má giấu thư trong mâm vàng rồi bưng đi ngược xuôi khắp huyện. Bọn giặc không ít lần bắt, gây khó nhưng lúc nào má cũng mạnh mẽ đấu tranh. Má làm giao liên suốt thời gian dài, đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất.

2. Đến lúc đã yếu rồi, má Ba vẫn thương và lo cho những đứa con không ruột thịt. Cô Mười kể: “Má Ba hiền lắm, lúc nào cũng thương, lo cho mấy anh và bênh mấy anh dữ lắm! Khi má yếu, các anh đưa má về Phòng Y tế huyện Tân Trụ, có người chăm sóc y tế 24/24 giờ. Tôi đến thăm má và giả vờ trách các anh không về thăm má, má nhẹ nhàng nói “Con đừng trách tội nghiệp, mấy anh con bận lắm!”. Lúc nào gặp các anh, má cũng quan tâm hỏi “tụi con ăn cơm chưa?” và hối các chị em “nấu cơm cho mấy anh tụi bây ăn””. Tình thương của má chẳng khác gì tình mẹ thương con.

Chân dung má Ba được thờ tại nhà cô Mười Chưởng

Đến ngày má mất, để ghi nhớ công lao của má, bàn thờ má được đặt tại nhà truyền thống của xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ (sau được chuyển công năng thành Nhà văn hóa ấp 5) mặc dù cháu của má Ba vẫn thờ má ở nhà. Trong một chuyến công tác về Quê Mỹ Thạnh năm 1991, cô Mười xin phép gia đình và lãnh đạo huyện đưa ảnh má Ba về thờ tại nhà mình. Cô Mười nói: “Tôi thờ má Ba chung với má tôi, tôi cúng má tôi thế nào thì cúng má Ba như vậy. Má Ba là người trung với Đảng, lo cho dân, thương từ cán bộ cho đến du kích. Lúc khó khăn nhất, má dám đương đầu, tới lúc bệnh má cũng lo cho cán bộ”.

Trong câu chuyện kể của mình về má Ba cơm nguội, cô Mười đã ngắt quãng vài lần vì xúc động. Khi nhắc tới những ngày cuối đời, má bệnh, cô Mười im lặng để ngăn dòng cảm xúc. Cô nói, má hiền lắm, lúc nào cũng lo và thương cho cán bộ, nên lúc má đau, cô thương má nhiều.

Cô Mười là một trong số ít người còn lại hiểu rõ câu chuyện về má Ba cơm nguội bởi các chú, các bác từng được má chăm lo cơm nước, người thì về với Bác, người trở lại với gia đình ở miền Bắc. Khi có dịp vào Nam thăm lại chiến trường xưa, các chú cũng ghé nhà cô Mười thắp cho má Ba một nén nhang.

Má Ba cơm nguội, người má chân quê, học ít và bạc phận (chồng má mất sớm, má không có con nên sống đơn độc cả đời) nhưng tấm lòng dành cho Đảng, cho bộ đội thì không gì sánh được. Má đã tận tụy, yêu thương và chăm chút cho cán bộ ta mà chẳng cần đền đáp bất cứ điều gì. Chính má Ba cơm nguội là lời khẳng định mạnh mẽ cho sức mạnh “ý Đảng - lòng dân” của dân tộc ta./.

Thu Lam

Chia sẻ bài viết