Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân của “cái chết trắng” hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy. Điều đó gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và tương lai của các em.
Tội phạm ma túy bị lực lượng chức năng bắt quả tang (Ảnh tư liệu minh họa)
Hiện nay, trên thị trường có khoảng 100 loại ma túy đang lưu hành trái phép. Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn của xã hội, gây hại sức khỏe, làm suy thoái phẩm giá con người và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Đại úy Phùng Thanh Anh Tuân - cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An, cho biết, người nghiện ma túy có thể có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Theo Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Phòng, chống ma túy (C04), Bộ Công an - Phan Thành Trung, hiện nay, ngành Công an phát hiện nhiều dạng ma túy mới. Đầu năm 2021, ngành phát hiện thêm 8 chất mới, trong đó có nhiều chất chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. 9 tháng năm 2021, cả nước phát hiện trên 22.000 vụ có liên quan đến ma túy, số vụ tăng 5% so cùng kỳ, số đối tượng tăng 1%. Và HSSV có liên quan đến ma túy chiếm 0,5% số vụ.
Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Long An - Nguyễn Đình Mỹ, thực tế hiện nay, hơn 3% người nghiện ma túy ở lứa tuổi HS, thậm chí có cả HS bậc THCS. Nguyên nhân là ở nhiều gia đình, cha, mẹ mải mê làm ăn, ít theo dõi, quan tâm con. Đồng thời, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến lối sống của giới trẻ như thực dụng, buông thả. Một số HSSV không làm chủ được bản thân, sa vào tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy.
Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Long An tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc chất kích thích, trong đó có cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử. Đáng báo động là tên gọi, chủng loại ma túy thay đổi liên tục với hàng trăm hoạt chất khác nhau, thậm chí các phòng xét nghiệm chuyên sâu cũng không thể tìm ra hết. Độc tính của ma túy phá hoại trẻ em, có trường hợp chỉ 13 tuổi, 14 tuổi nhưng thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim,... như người nghiện lâu năm.
Nhiều trường hợp phụ huynh đưa các em vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn hành vi, phải điều trị nhiều ngày. Điều đáng lo, tỷ lệ người nhiễm ở các địa phương ngang bằng nhau. Không những khu vực thị xã, thành phố, trung tâm đô thị có nhiều người nghiện mà khu vực Đồng Tháp Mười cũng có trường hợp chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Đại úy Phùng Thanh Anh Tuân cho biết thêm: “Thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm ma túy nhưng hiện nay, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Cá biệt, có trường hợp tội phạm ma túy tìm cách lôi kéo, dụ dỗ các thanh, thiếu niên, HSSV sử dụng ma túy dẫn đến nghiện và bị lệ thuộc vào các chất này, buộc phải bỏ học và ngày càng xoáy sâu vào con đường phạm tội về ma túy”.
Chị Nguyễn Thị X. (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) cho biết, HS hiện nay còn làm “đàn em” cho những “đại ca” chuyên mua, bán chất cấm. Tuy nhiên, một số phụ huynh còn lơ là trong việc phối hợp nhà trường để quản lý các em.
Ma túy ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt và cả tương lai của một thế hệ. Do đó, việc bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy là một trong những thông điệp được đưa ra trong kế hoạch của Chính phủ về công tác phòng, chống tác hại ma túy đối với HSSV nhiều năm nay./.
(còn tiếp)
Minh Đăng - Hà Lan
Bài 2: Ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường