Tiếng Việt | English

27/04/2016 - 11:07

Mái nhà chung của bệnh nhân tâm thần

Có một “mái nhà” chung, nơi cưu mang những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Mái nhà này được duy trì bằng sự tận tâm, của những tấm lòng nhiệt huyết với nghề. Đó chính là Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Long An. Tại đây, các đối tượng được chăm sóc bằng tình cảm chân thành của nhân viên trung tâm.


Các bệnh nhân tâm thần nhẹ được học nghề đan giỏ nhựa, vừa tạo được giá trị của bản thân, vừa học được cái nghề để giảm một phần gánh nặng cho gia đình và xã hội

Hiện nay, Trung tâm BTXH tỉnh đang nhận nuôi 319 đối tượng là bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Được biết, khẩu phần ăn của một người là 36.000 đồng/ngày/3 buổi và được cấp 2 bộ đồ, 1 đôi dép/năm,… Ngoài ra, trung tâm còn vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng quà, thăm viếng, hỗ trợ người bệnh tâm thần. Trung tâm cử 35 cán bộ, nhân viên nòng cốt và tâm huyết với nghề trực tiếp chăm sóc các đối tượng.

Chị Phạm Thị Lan là cán bộ chăm sóc người bệnh tâm thần tại khu E cho biết: “Ban đầu, tôi rất lo lắng khi được phân công nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc các đối tượng tâm thần nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy họ đáng thương. Bình thường, họ rất hiền, nghe lời cán bộ nhưng khi lên cơn thì sẵn sàng cào cấu, đánh mình. Những lúc đó, họ có biết gì đâu nên người chăm sóc cần nhẫn nại giúp bệnh nhân bình tĩnh”.

Nhằm xây dựng niềm tin và động lực cho các bệnh nhân tâm thần nhẹ, trung tâm còn mở lớp đan giỏ nhựa giúp người bệnh được lao động dưới sự giám sát của cán bộ và nhân viên trung tâm. Những sản phẩm làm ra được trung tâm đem bán và trả tiền công lại cho các đối tượng. Số tiền tuy không nhiều nhưng nó là kết quả của quá trình lao động, từ đó, họ thấy mình vẫn có ích trong cuộc sống. Qua lao động, họ cũng tự tin hơn và có thể tự kiếm tiền khi được trở về địa phương, góp giảm phần nào gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nhân viên trung tâm cho biết: “Khi chăm sóc người bệnh tâm thần, cần phải ngọt ngào, đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ. Những người này đều có tính cách và đặc điểm khác nhau nên đòi hỏi người chăm sóc phải hiểu ý của từng bệnh nhân”.

Hằng năm có khoảng 15% đối tượng mắc bệnh tâm thần ở trung tâm thuyên giảm và trở về địa phương. Phó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh – Lê Văn An cho biết: “Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục mở rộng công viên và khu phục hồi chức năng nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng bệnh nhân tâm thần được điều trị và chăm sóc tốt và tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm thường xuyên đến tặng quà, nấu ăn giúp bữa ăn thêm phong phú. Đồng thời, tăng cường tập huấn, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên trong trung tâm, xây dựng trung tâm thành mái nhà chung cho những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết