Tiếng Việt | English

27/12/2023 - 14:33

Mạnh tay với 'tín dụng đen'

Hoạt động “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy. Những năm gần đây, các cấp, các ngành tăng cường triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để phòng, chống “tín dụng đen”. Hiện nay, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Long An được kiềm chế, không còn công khai như trước.

Bốn đối tượng cho vạy lãi nặng bị bắt đầu tháng 10/2023

Trong tháng 11/2023, UBND tỉnh sơ kết năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" (gọi tắt Chỉ thị số 12).

Thực hiện Chỉ thị số 12, các cấp, các ngành, địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc vay vốn với lãi suất cao để người dân nắm, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 12, các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền được gần 3.600 cuộc, có gần 144.000 người dự; tuyên truyền qua tiếng loa an ninh, trật tự lưu động hơn 21.000 lượt; phát gần 19.000 tờ rơi tuyên truyền; đăng tải gần 13.000 bản tin, infographic, thu file âm thanh, đề cương trên nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng, chống tội phạm;...

Đặc biệt, lực lượng công an các cấp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; thường xuyên trấn áp, bắt giữ tội phạm hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng. Ngoài ra, lực lượng công an các cấp còn xử phạt hành chính nhiều đối tượng có hành vi dán, rải các tờ rơi cho vay.

Hai thanh niên có hành vi rải tờ rơi cho vay bị xử phạt hành chính

Gần đây nhất, trong tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng: Bùi Tiến Thành (30 tuổi), Phạm Mạnh Cường (33 tuổi), Tô Văn Việt (32 tuổi), cùng quê tỉnh Quảng Ninh và Trần Văn Quý (34 tuổi, quê tỉnh Hải Phòng) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo Thượng tá Trần Bình Trọng - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, năm 2022, đến thuê nhà trọ, sau đó thiết lập các đường dây cho vay lãi nặng. Địa bàn mà các đối tượng nhắm đến là TP.Tân An, huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức (tỉnh Long An) và xã Tân Hương, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang).

Để thiết lập đường dây và câu kéo người vay tiền, các đối tượng tạo các trang mạng cá nhân quảng cáo Vay tiền góp nhanh Long An kèm theo số điện thoại. Ngoài ra, các đối tượng còn in tờ rơi phát tại các ngã tư hoặc dán lên cột điện để thu hút người có nhu cầu. Khi có khách gọi điện thoại vay tiền, các đối tượng phân công nhau gặp trực tiếp người vay để tư vấn.

Để được vay tiền, khách phải cung cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, giấy phép lái xe, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, nơi ở, nghề nghiệp để các đối tượng quyết định số tiền sẽ cho vay từ 3-100 triệu đồng, lãi suất từ 30%/tháng trở lên.

“Qua điều tra ban đầu, cơ quan điều tra đã xác định 4 đối tượng cho 21 người vay lãi nặng. Tổng số tiền mà 4 đối tượng thu lợi bất chính từ những người vay là gần 400 triệu đồng” - Thượng tá Trần Bình Trọng cho biết.

Từ nhiều giải pháp, sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp, các ngành, hiện nay, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, không còn công khai như trước.

Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân đối với các quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn và nắm biết phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là kiểm tra các dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; kịp thời phát hiện, đấu tranh với các vi phạm pháp luật của các công ty tài chính, tín dụng, dịch vụ cho vay có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao, cho vay lãi nặng.

“Hoạt động “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy, gây mất an ninh, trật tự nên công tác phòng, chống “tín dụng đen” tuyệt đối không lơ là mà phải được triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, cảnh tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh./.

Các đối tượng hoạt động cho vay “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh phát hiện thời gian qua hầu hết là các cá nhân từ địa phương khác đến. Thủ đoạn cho vay thông qua việc phát tờ rơi nơi công cộng hoặc mạng xã hội. Hình thức cho vay không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, giấy phép lái xe.

Thời gian cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, khi vay không có hợp đồng vay tiền, người vay tiền chỉ ghi giấy mượn tiền, nhận nợ đưa cho người cho vay cùng với giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, giấy phép lái xe. Do đó, việc thu thập thông tin, tài liệu để căn cứ xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cũng gặp khó khăn.

Ý thức của một số người dân còn hạn chế trong việc nhìn nhận hậu quả và tác hại mà hoạt động “tín dụng đen” gây ra. Ngoài ra, do lo sợ bị đe dọa, khống chế, khủng bố về tinh thần nên nhiều người không mạnh dạn trình báo, không tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” cho lực lượng công an. Khi lực lượng công an phát hiện các hoạt động cho vay lãi nặng và mời những người vay tiền đến làm việc để củng cố chứng cứ thì có trường hợp không hợp tác, né tránh.

Hoạt động cho vay kiểu “tín dụng đen” là hoạt động ngầm nên công tác quản lý, nắm bắt thông tin còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi người vay bỏ trốn khỏi địa phương hoặc không còn khả năng chi trả và bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe thì mới trình báo cơ quan công an.

Các đối tượng lợi dụng những người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp khi cần vốn làm ăn, mua bán mà không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng. Ngoài ra, cũng xuất hiện một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến trên các trang mạng xã hội, ứng dụng di động với nhiều hình thức vay tiền đa dạng.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích