Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số (DS) trong tình hình mới đã khẳng định quan điểm: DS là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác DS là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Trong đó, một trong những mục tiêu được Đảng ta xác định là “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên” (mức chuẩn sinh học bình thường là 105 bé trai/100 bé gái). Điều đó xuất phát từ thực tế tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Việt Nam đang ở mức báo động. Theo Tổng cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), kết quả Tổng điều tra DS và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái thì 20 năm sau, tỷ số này là 115 bé trai/100 bé gái. MCBGTKS đang có xu hướng gia tăng ở cả nông thôn và thành thị, có tỉnh có tỷ lệ 120 bé trai/100 bé gái. 55/63 tỉnh, thành trên cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng MCBGTKS cao nhất và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa ngần ấy đàn ông Việt có nguy cơ “ế vợ”.
Long An tuy chưa là điểm nóng nhưng tỷ số giới tính khi sinh có những năm vượt mức cân bằng. Cụ thể, năm 2011 là 109 nam/100 nữ; năm 2016 là 108,5 nam/100 nữ; năm 2017 là 106,5 nam/100 nữ; năm 2018 là 105,3 nam/100 nữ. Xu hướng này tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Thực tế cho thấy, MCBGTKS chủ yếu là do phong tục, tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con nhưng nhiều gia đình mong muốn có con trai đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính khi sinh. Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Do chế độ an sinh chưa bảo đảm, hầu hết DS sống ở nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Do chính sách đối với nữ giới chưa thỏa đáng, bình đẳng giới chưa được quan tâm đầy đủ. Những vấn đề trên đã tạo ra những áp lực lớn cho người phụ nữ về việc phải sinh được con trai.
MCBGTKS sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc DS trong tương lai, dẫn đến việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả từ MCBGTKS về lâu dài rất nghiêm trọng: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực, buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình; tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; gia tăng về nhu cầu mại dâm, dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ;...
Để kiểm soát MCBGTKS, tỉnh đã phát động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS” (từ ngày 01/10 đến 31/10) nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, cộng đồng xã hội về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của MCBGTKS, sự cần thiết phải can thiệp để giảm thiểu tình trạng này, góp phần nâng cao chất lượng DS; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS - phát triển; thay đổi thái độ, nhận thức và hành vi của người dân về vấn đề giới tính nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ, trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng, bền vững.
Trong chiến dịch, cần tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở kinh doanh sách, báo, tài liệu văn hóa phẩm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát MCBGTKS. Nghiêm cấm “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Đồng thời, thực hiện tốt thông điệp “Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”; cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”./.
Kim Quy