Đại biểu dự Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi
Việc lạm dụng những thành tựu y khoa để nhận biết giới tính thai nhi là một trong những nguyên nhân khiến TSGTKS chênh lệch. MCBGTKS sẽ ảnh hưởng xấu đến cấu trúc DS trong tương lai, dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Theo đó, sẽ gây bất ổn về an toàn, trật tự tại cộng đồng, gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác. MCBGTKS còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao,…
Hiểu được hệ lụy này, hàng năm, Sở Y tế tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông kiểm soát MCBGTKS. Sau mỗi đợt phát động, các cấp, các ngành, nhất là ngành DS vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa của MCBGTKS, từng bước đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên.
Huyện Bến Lức, tỉnh Long An là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Phòng DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Trung tâm Y tế huyện Bến Lức phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về hệ lụy của MCBGTKS. Các hoạt động về kiểm soát MCBGTKS được triển khai gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. 9 tháng năm 2019, huyện tổ chức 60 cuộc nói chuyện chuyên đề với hơn 2.000 lượt người dự. Huyện còn tổ chức vãng gia, họp nhóm, tư vấn trực tiếp cho hơn 4.000 lượt thai phụ, nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính khi sinh và các quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Phan Tấn Thanh, đoàn kiểm tra liên ngành huyện tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát MCBGTKS; các cơ sở kinh doanh sách, báo, tài liệu văn hóa phẩm; các cơ sở in ấn đóng trên địa bàn huyện về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, xuất bản, tàng trữ tài liệu, ấn phẩm vi phạm các điều cấm của Luật Xuất bản và Pháp lệnh DS nhằm bảo đảm không lưu truyền các văn hóa phẩm vi phạm về lựa chọn giới tính khi sinh.
Qua tuyên truyền, người dân dần nâng cao nhận thức, xóa bỏ quan niệm trọng nam, khinh nữ. Theo đó, TSGTKS của huyện từng bước trở về mức cân bằng tự nhiên. Năm 2016, TSGTKS là 110 nam/100 nữ; năm 2017 là 109,73 nam/100 nữ; năm 2018 giảm còn 101 nam/100 nữ.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ Thuận (ấp 6, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) làm thuê và buôn bán tạp hóa tại nhà. Gia đình chị có 2 con đều là gái. Con gái lớn đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, chuyên ngành Giáo viên kỹ thuật. Con gái nhỏ đang là sinh viên năm 2, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, chuyên ngành Kinh tế. Chị Thuận bày tỏ: “Dù sinh 2 con là gái nhưng chúng tôi luôn tâm niệm “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”, quan trọng là vợ chồng cố gắng nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn để có tương lai ổn định. Sự thành đạt của 2 con chính là niềm vinh dự của những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi”.
Xóa bỏ tâm lý “khát” con trai
Mong muốn có con trai được lý giải trong quan niệm từ xưa là để “nối dõi tông đường”. Con trai mang họ của dòng tộc, có trách nhiệm kế thừa và xây đắp truyền thống, danh dự của gia đình. Con trai mới là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình, nhất là tại các vùng nông thôn. Do tâm lý thích có con trai nên nhiều gia đình tìm mọi cách để sinh con trai. Điều này khiến cho DS có sự chênh lệch rõ rệt về tỷ lệ nam và nữ.
Cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em chú trọng tuyên truyền nội dung không phân biệt giới tính khi sinh
Để dần xóa bỏ tâm lý “khát” con trai, Phòng DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước đẩy mạnh truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng cộng tác viên DS - gia đình và Trẻ em (CTV DS) trên địa bàn huyện ngoài tuyên truyền các biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, còn chú trọng tuyên truyền nội dung không phân biệt giới tính.
CTV DS Nguyễn Ngọc Phùng phụ trách một phần ấp 2, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, với 158 hộ gia đình, trong đó có 97 chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. “Tôi thường xuyên đến từng hộ gia đình trò chuyện cùng các chị em, nhất là những cặp vợ chồng sinh con 1 bề là gái. Từ đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng về vấn đề con cái và vận động họ sinh đủ 2 con, không vì mong muốn có con trai mà sinh thêm” - chị Ngọc Phùng cho biết.
Qua tuyên truyền, vận động, người dân dần thay đổi quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, góp phần giảm thiểu MCBGTKS. Chị Thạch Thị Hường (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là con một trong gia đình. Dù sinh 2 con một bề là gái nhưng chúng tôi không chịu áp lực gì từ gia đình 2 bên trong việc sinh con trai. Vợ chồng tôi cũng không có ý định sinh thêm để kiếm con trai. Tôi chỉ mong 2 con đều chăm ngoan, khỏe mạnh”.
Chị Thạch Thị Hường tâm niệm “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”
Để nâng cao nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGĐ, ngành DS huyện phối hợp hội, đoàn thể xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ như không có người sinh con thứ 3 trở lên, tổ chức tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân,…; đồng thời, tổ chức chiến dịch truyền thông kiểm soát MCBGTKS nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, cộng đồng xã hội về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của việc MCBGTKS. Phó Trưởng phòng DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Ngô Hoàng Nguyễn thông tin: “Để giảm những hệ lụy do MCBGTKS gây ra, chúng tôi không ngừng tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên và không lựa chọn giới tính thai nhi. Tại các cơ sở y tế, nơi tập trung đông dân cư đều có các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhằm tác động đến nhận thức người dân. Trong tuyên truyền, chú trọng phê phán mạnh mẽ những hủ tục, thái độ và hành vi trọng nam; nêu gương gia đình có 2 con là gái thành đạt, hạnh phúc. Cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con” cũng được quan tâm, thực hiện tốt”.
Thời đại ngày nay, không chỉ đàn ông mới là trụ cột gia đình mà phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương, chia sẻ các công việc với nam giới trong cuộc sống cũng như phụng dưỡng cha mẹ. Đây cũng chính là thông điệp ngành DS muốn gửi đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi lập gia đình, có con. Qua đó, góp phần tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ cũng như trẻ em gái, hướng đến xã hội bình đẳng và phát triển bền vững./.
Tại Việt Nam, năm 2000, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức bình thường nhưng từ năm 2006 có biểu hiện tăng dần. Đặc biệt, năm 2018 là năm có tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước đến nay (115,1 nam/100 nữ) và hiện nay xu hướng này đang tiếp tục gia tăng.
Tại Long An, tuy chưa là điểm nóng nhưng tỷ số giới tính khi sinh có những năm vượt mức cân bằng. Cụ thể, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh là 109 nam/100 nữ; năm 2016 là 108,5 nam/100 nữ; năm 2017 là 106,5 nam/100 nữ; năm 2018 là 105,3 nam/100 nữ. Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, vừa qua, tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
|
Ngọc Mận-Huỳnh Hương