Cảnh sát giao thông kiểm tra vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát
1 tháng đầu triển khai, gần 500 thông báo "phạt nguội"
Từ ngày 10/10/2023, Công an TP.Tân An, ỉnh Long An đưa vào vận hành, sử dụng và khai thác hệ thống camera giám sát giao thông với nhiều mắt camera được lắp đặt trên nhiều tuyến đường, phục vụ công tác bảo đảm TTATGT và xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực này. Hệ thống hoạt động tự động 24/24 giờ, ghi nhận các hành vi vi phạm TTATGT; giám sát tình hình an ninh, trật tự, tự động lưu hình ảnh dữ liệu và truyền về trung tâm chỉ huy.
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh ghi nhận tại 4 vị trí được phân công trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền là đoạn giao giữa đường Trần Văn Đấu và Quốc lộ (QL) 1, QL1 giao đường Vành đai TP.Tân An, tuyến tránh QL1 giao với QL62, QL62 giao với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn TP.Tân An); còn lại các điểm khác trên địa bàn do Công an TP.Tân An ghi nhận.
Việc vận hành, sử dụng và khai thác hệ thống camera giám sát giao thông, phục vụ công tác bảo đảm TTATGT và xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao ý thức tự giác của mỗi công dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng trong việc chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ. Đây cũng là giải pháp để xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tham gia giao thông; đồng thời, giảm hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, góp phần kéo giảm các vụ tai nạn giao thông và thiệt hại gây ra.
Sau 1 tháng đưa hệ thống vào vận hành tại TP.Tân An, lực lượng chức năng ghi nhận, tiến hành xác minh, gửi thông báo vi phạm đến gần 500 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi sai làn đường, dừng, đỗ xe sai quy định, không đội mũ bảo hiểm,... Trong đó, lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông ghi nhận nhiều nhất, chiếm khoảng 85% tổng số vi phạm.
Đối với vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì theo quy định, người điều khiển ôtô bị xử phạt từ 4.000.000-6.000.000 đồng; cũng với hành vi này, nếu điều khiển môtô thì mức phạt từ 800.000-1.000.000 đồng. Tất cả hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông đều có hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 1-3 tháng.
Thời gian áp dụng “phạt nguội” vi phạm TTATGT qua hệ thống camera giám sát tại địa bàn TP.Tân An dù còn mới nhưng đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Đặc biệt, khi biết có các “mắt thần” đang ghi và quan sát việc lưu thông trên đường nên người tham gia giao thông ý thức hơn, tuân thủ pháp luật, từ đó tạo thành một thói quen tốt, văn hóa khi tham gia giao thông. Tại các tuyến đường, địa điểm có camera theo dõi “phạt nguội”, cơ quan chức năng đều có gắn biển Tuyến đường có giám sát, xử phạt bằng camera.
“Từ khi áp dụng camera để xử phạt vi phạm TTATGT, trên địa bàn TP.Tân An, người tham gia giao thông chạy lấn làn, vượt ẩu, đậu, đỗ xe sai quy định, vượt đèn đỏ tín hiệu giao thông giảm hẳn so với trước” - anh Lê Văn Tuấn (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) nói.
Quy trình xử lý vi phạm ra sao?
Do mới áp dụng tại TP.Tân An nên nhiều người ở địa phương chưa nắm rõ quy trình xử lý hành vi vi phạm giao thông qua hình ảnh được phát hiện từ hệ thống camera giám sát. “Quy trình xử lý vi phạm sẽ diễn ra các bước như thế nào và trong thời gian bao lâu?” - ông Nguyễn Văn Tâm (phường 4, TP.Tân An) thắc mắc.
Theo Thiếu tá Trần Linh - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự cơ động, Công an TP.Tân An, Thông tư 32/2023/TT-BCA, ngày 01/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9/2023 thì có 2 cách thức để lực lượng CSGT xử lý. Thứ nhất, khi phát hiện hành vi vi phạm qua hệ thống giám sát, cán bộ trực tại phòng máy sẽ thông báo trực tiếp cho tổ tuần tra, kiểm soát đang thực hiện nhiệm vụ ngoài đường tiến hành dừng phương tiện vi phạm; đồng thời, cho người vi phạm xem hình ảnh qua thiết bị được gửi qua Zalo cho lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, sau đó tiến hành lập biên bản. Trường hợp không có hình ảnh tại đó thì hướng dẫn người dân khi đến chấp hành xử phạt sẽ được CSGT cung cấp hình ảnh vi phạm.
Trường hợp thứ hai là ghi nhận hình ảnh vi phạm khi máy tự động cập nhật, cán bộ trực tại phòng máy sẽ phân tích hình ảnh. Nếu hình ảnh bảo đảm các yếu tố thời gian vi phạm, địa điểm, hành vi vi phạm, biển số phương tiện (thể hiện rõ) thì CSGT xử lý theo quy định.
Cũng theo Thiếu tá Trần Linh, theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, trong vòng 10 ngày, CSGT tiến hành các bước tra cứu chủ phương tiện thông qua hệ thống đăng ký, in thông báo trên hệ thống xử lý của Cục CSGT và gửi đến địa chỉ chủ phương tiện vi phạm, cơ quan công an địa phương nơi chủ phương tiện đăng ký thường trú theo quy định. Khi nhận được thông báo, chủ phương tiện sẽ đến chấp hành xử phạt tại Đội CSGT - Trật tự, nếu trường hợp đi lại khó khăn hoặc ngoài tỉnh thì chủ phương tiện có thể đến cơ quan công an nơi thường trú hoặc tạm trú để tiến hành xử lý theo quy định.
Quá thời hạn 20 ngày mà chủ phương tiện, người liên quan không đến cơ quan công an để giải quyết thì CSGT tiến hành các bước tiếp theo của quy trình. Đối với trường hợp xe ôtô sẽ cập nhật trên trang thông tin của Cục CSGT để chủ phương tiện biết, liên hệ giải quyết; gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm; đồng thời, cập nhật trạng thái cảnh báo đình kiểm trên hệ thống xử lý của Cục CSGT.
Còn đối với trường hợp xe môtô, tiếp tục gửi thông báo đến công an phường, xã thì công an phường, xã có trách nhiệm gửi thông báo cho chủ phương tiện, người có liên quan, sau đó gửi kết quả lại cho Đội CSGT - Trật tự. Đối với chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP.Tân An, CSGT sẽ trực tiếp liên hệ xã, phường xuống tới nhà để gửi thông báo vi phạm.
Với trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có hành vi vi phạm đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hoặc trụ sở công an nơi thường trú hoặc tạm trú đã ra thông báo vi phạm để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm thì sẽ được tiến hành như thế nào cũng được nhiều người quan tâm.
Theo Thiếu tá Trần Linh, đối với trường hợp cơ quan công an nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú đến giải quyết xong thì phải có trách nhiệm thông báo ngay (trên hệ thống xử lý của Cục CSGT) cho công an nơi phát hiện vi phạm; đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, gỡ ngay trạng thái cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống xử lý.
Trường hợp người vi phạm đến cơ quan công an phát hiện hành vi vi phạm để giải quyết thì tiến hành thông báo ngay trên hệ thống xử lý của Cục CSGT cho công an nơi thường trú biết; cập nhật trạng thái đã giải quyết trên Trang thông tin điện tử Cục CSGT, gỡ cảnh báo đình kiểm trên hệ thống xử lý theo quy định; đồng thời, thông báo cho cơ quan đăng kiểm biết.
Thông tin từ Công an TP.Tân An, để theo dõi phương tiện của mình có vi phạm TTATGT đường bộ hay không, người dân truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục CSGT (www.csgt.vn) và làm theo các hướng dẫn để kiểm tra; đồng thời, khi nhận được thông báo của Công an TP.Tân An, đề nghị chủ phương tiện liên hệ với Đội CSGT - Trật tự cơ động, Công an TP.Tân An (địa chỉ: 565 QL1, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) trong thời gian sớm nhất để giải quyết theo quy định. Nếu trường hợp đi lại khó khăn có thể liên hệ với công an xã, phường, huyện nơi thường trú hoặc tạm trú./.
Lê Đức