Tiếng Việt | English

28/12/2021 - 09:51

Mô hình trồng gấc - Hướng đi triển vọng trong chuyển đổi cây trồng

Sau khi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về việc chuyển đổi cây trồng, HTX Nông nghiệp Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An quyết định phát triển mô hình trồng gấc vì có tính khả thi cao, vốn đầu tư ít nhưng có thể khai thác lâu dài. Trung bình trên 1.000m2 đất, chi phí đầu tư ban đầu (chưa tính hệ thống tưới tự động) chỉ khoảng 15 triệu đồng, năng suất khoảng 1,5 tấn trong năm đầu và tăng dần qua các năm.

Sau khi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về việc chuyển đổi cây trồng, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tâm quyết định phát triển mô hình trồng gấc vì có tính khả thi cao, vốn đầu tư ít nhưng có thể khai thác lâu dài

Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Tâm - Dương Hoàng Tín cho biết: Cây gấc có tuổi thọ trung bình từ 10 - 15 năm, đây là loại cây hoang dã nên sinh trưởng rất khỏe, không tốn nhiều công chăm sóc cũng như chi phí phân bón. Trồng từ 2,5 - 3 tháng thì gấc đã ra bông, sau 4 - 5 tháng thì có trái, 6 tháng có thể thu hoạch dần và đi vào ổn định từ tháng thứ 8. Cây gấc ra trái quanh năm, thị trường chủ yếu là trong nước nên không bị áp lực về giá cả cũng như quy trình bảo quản như các loại nông sản xuất khẩu.

Chưa kể, nếu không xuất bán kịp thì có thể trữ thịt gấc cấp đông, không sợ bị hỏng, khoảng 3 - 3,5kg trái tươi được 1kg hàng cấp đông. Giá bán gấc tươi rẻ nhất là 10.000 đồng/kg, khi “hút hàng” thì có khi đến 38.000 đồng/kg, đặc biệt tiêu thụ mạnh vào dịp tết. HTX sản xuất theo quy hoạch nên không để nông dân trồng tràn lan nhằm bảo đảm đầu ra bao nhiêu thì tiêu thụ bấy nhiêu.

Ngoài chú trọng sản xuất theo quy hoạch, HTX còn hướng dẫn các thành viên trồng gấc theo mô hình VAC là trên gấc, dưới cá, khu vực vành đai thì trồng xen thêm các loại cây phù hợp, cần ít ánh sáng, vừa cải thiện thu nhập, vừa dễ áp dụng biện pháp sinh học để canh tác an toàn. Ông Huỳnh Văn Sơn - thành viên HTX Nông nghiệp Bình Tâm, chia sẻ: “So với các cây trồng khác thì gấc rất dễ trồng, mau thu hoạch. Một lợi thế nữa cho người dân là cứ 4-5 ngày bán 1 lần như trồng rau màu nên rất nhanh thu hồi vốn và mang lại lợi nhuận hấp dẫn, không lo lắng vấn đề đầu ra”.

Sau khi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về việc chuyển đổi cây trồng, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tâm quyết định phát triển mô hình trồng gấc vì có tính khả thi cao, vốn đầu tư ít nhưng có thể khai thác lâu dài

Khi nông dân dần không còn “mặn mà” với cây thanh long do giá bấp bênh, gần 2 năm nay, Hợp tác xã Thanh long Bình Tâm (nay là Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tâm, TP.Tân An) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng gấc, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực

Hiện HTX Nông nghiệp Bình Tâm có 17/23 thành viên trồng gấc, diện tích trên 5ha, chủ yếu ở khu vực xã Bình Tâm và các địa phương lân cận. HTX tiếp tục tập hợp các thành viên có nhu cầu muốn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây gấc để lên phương án sản xuất phù hợp. Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Điều mà chúng tôi tâm đắc ở mô hình của HTX này là tinh thần hợp tác của những người tham gia. Hiện nay, trong quy trình canh tác, nông dân còn gặp một số khó khăn khi xử lý các vấn đề về sâu, bệnh, nâng cao chất lượng trái. Chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn về kỹ thuật, khai thác và ứng dụng sản phẩm sinh học, hữu cơ hóa để nâng cao hiệu quả của mô hình trồng gấc”.

Được biết, gấc được dùng đa dạng trong ngành thực phẩm, dược phẩm hay tá dược thuốc bảo vệ thực vật. Với những triển vọng đó, hướng tới, Hội Làm vườn tỉnh còn ứng dụng cấy mô để nâng cao chất lượng giống; đồng thời, kết nối với các tổ chức tìm đầu ra ổn định, phát triển bền vững loại cây trồng này trên đất Long An./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích