Tiếng Việt | English

22/04/2021 - 09:21

Khởi nghiệp với gấc

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, Bí thư Đoàn xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An - Lê Văn Thảnh còn là thanh niên (TN) dám nghĩ, dám làm. Tận dụng khoảng không của con đường vào nhà, tháng 9-2020, anh mạnh dạn đầu tư mô hình trồng gấc.

Hiện nay, mô hình trồng gấc của anh Thảnh đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế

Hiện nay, mô hình trồng gấc của anh Thảnh đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế

Bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt tình

Từ năm 2014-2019, anh Thảnh giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An. Năm 2020, anh được điều động làm Bí thư Đoàn xã An Vĩnh Ngãi. Mặc dù nhận nhiệm vụ mới chưa lâu nhưng anh Thảnh tiếp cận công việc khá nhanh. Công tác tuyên truyền, vận động luôn được anh quan tâm, đẩy mạnh.

Anh Thảnh cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được Đoàn xã triển khai thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng thông qua các buổi hội nghị, tập huấn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi tìm hiểu lịch sử quê hương,... Hàng năm, Đoàn xã còn tổ chức cho ĐVTN về nguồn tại Bảo tàng Long An, Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", Lăng mộ và Đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức”.

Hiện Đoàn xã có gần 70 ĐVTN tham gia sinh hoạt tại 4 chi đoàn ấp; 1 Chi đoàn Dân quân cơ động; 1 Chi đoàn Liên cơ. Thời gian qua, Chi đoàn Liên cơ phân công lực lượng ĐV đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của xã để hỗ trợ người dân các thủ tục hành chính, ghi chép hồ sơ ban đầu, điền thông tin theo mẫu. Những trường hợp người lớn tuổi, bệnh tật được ĐV khai hộ để giảm thời gian chờ đợi. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chi đoàn ấp Vĩnh Hòa đã vận động mọi người trong ấp tham gia may 500 khẩu trang vải để cấp phát miễn phí.

Song song đó, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng thu hút được đông đảo ĐVTN tham gia: Ra quân thu gom, xử lý rác thải trên tuyến đường Châu Thị Kim và tuyến đường ấp 6, tổ chức chăm sóc cây xanh, trồng hoa tuyến đường TN tự quản, vệ sinh khuôn viên nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà truyền thống;... Ngoài ra, hoạt động thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thường xuyên.

Phong trào TN sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được phát động. Ban Chấp hành Đoàn xã duy trì nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 78 thành viên vay với số tiền trên 2,2 tỉ đồng; duy trì 2 tổ tương trợ vốn có 18 thành viên với số tiền 15 triệu đồng/2 thành viên/tháng nhằm hỗ trợ hộ TN nghèo và TN trong hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho ĐVTN trên địa bàn xã tiếp tục phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều ĐVTN. Năm 2020, Đoàn xã giới thiệu, tư vấn, hướng nghiệp cho 75 trường hợp.

Phó Bí thư Thành đoàn Tân An - Huỳnh Thị Thùy Linh cho biết: “Bí thư Đoàn xã An Vĩnh Ngãi là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có ý thức giữ gìn đoàn kết trong đơn vị. Ngoài ra, anh luôn chắt lọc, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách nhanh chóng và chính xác để tuyên truyền trong lực lượng ĐVTN của đơn vị”.

Bí thư Đoàn xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An - Lê Văn Thảnh (thứ 4, từ trái qua) là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác

Bí thư Đoàn xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An - Lê Văn Thảnh (thứ 4, từ trái qua) là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác

Mạnh dạn khởi nghiệp

Xuất thân trong gia đình làm nông và có nhiều năm công tác tại Hội Nông dân xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An nên anh Thảnh có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Trong một lần đi tham quan mô hình trồng gấc ở tỉnh Tiền Giang, nhận thấy những hiệu quả kinh tế từ gấc đem lại, anh Thảnh nảy ra ý định đưa mô hình về địa phương. Để thực hiện mô hình, anh Thảnh thường xuyên nghiên cứu các tài liệu trên Internet, tham gia học tập kinh nghiệm tại Tiền Giang và TP.Tân An. Tháng 9/2020, anh bắt tay vào triển khai mô hình.

Con đường dài rợp bóng mát, ngập tràn gấc với đủ kích thước khác nhau là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến nhà anh Thảnh. Dựa vào đặc thù gấc là loại cây thân thảo dây leo, anh tận dụng khoảng không của con đường vào nhà để trồng gấc. Điều này vừa giúp tạo bóng mát, vừa tận dụng triệt để được diện tích.

Theo anh Thảnh, gấc là loại cây ưa ẩm mát, khá dễ trồng lại không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc. Đây cũng là loại cây trồng ít mắc các bệnh vặt, chủ yếu bị sâu hay nấm lá, chỉ cần phun thuốc là trị được. Trồng gấc không tốn nhiều chi phí đầu tư. Được biết, người trồng chỉ cần đầu tư kinh phí giai đoạn ban đầu bao gồm: Cây giống, giàn leo, phân bón, thuốc,...

Với diện tích khoảng 0,1ha, anh Thảnh trồng 45 gốc gấc (15.000 đồng/gốc) và đầu tư giàn leo với tổng kinh phí chưa đến 20 triệu đồng. Trồng gấc chỉ mất khoảng 5 tháng là thu hoạch, dây càng phát triển lớn, gấc càng cho trái nhiều. Nếu chăm sóc tốt, không bị sâu, bệnh, ngập úng, mỗi dây gấc có tuổi thọ trung bình từ 7-8 năm. Gấc được sử dụng đa dạng trong chế biến thực phẩm nên trái sau khi thu hoạch được thương lái đến tận vườn thu mua. Trung bình mỗi tuần, vườn gấc của anh thu hoạch được khoảng 50kg. Gấc có giá dao động từ 10.000-25.000 đồng/kg, với mức giá này, người trồng đã có lãi cao.

Hiện nay, mô hình trồng gấc đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, anh Thảnh xứng đáng là tấm gương cho nhiều TN học tập./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết