Tiếng Việt | English

20/12/2022 - 19:10

Mở rộng sản xuất lúa hữu cơ

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (HTX Cây Trôm) (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đã chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa truyền thống sang hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao đến người tiêu dùng.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm chăm sóc lúa Đông Xuân 2022-2023

Trước đây, trong quá trình sản xuất lúa, nông dân thường lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm làm ra tồn dư hóa chất, mất an toàn thực phẩm, môi trường sống bị ô nhiễm. Người trồng lúa cũng thường xuyên bị thương lái ép giá nên hiệu quả sản xuất không cao. Để cải thiện tình trạng trên, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng và HTX Cây Trôm đã xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Theo đó, nông dân được cung ứng vật tư và hỗ trợ kỹ thuật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Song song đó, HTX cũng liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ lúa giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. 

Giám đốc HTX Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn cho biết: “Trước đây, nông dân quen với tập quán sản xuất lúa sử dụng phân bón và thuốc hóa học nên việc bán lúa rất khó khăn. Từ khi tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của HTX, không chỉ vấn đề đầu ra được bảo đảm mà chất lượng lúa, giá bán cũng cao hơn trước”. 

Thực tế cho thấy, nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ thường tốn nhiều công sức hơn, chi phí đầu tư cũng cao hơn. Tuy nhiên, cây lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh hại hơn, cây cứng nên chống ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ hạt chắc cao. Khi thu hoạch, chất lượng gạo cũng tốt hơn, bán được giá hơn và đặc biệt là đất tơi, xốp, không còn cứng như khi sản xuất theo kiểu truyền thống.

Ông Phan Văn Thủ - thành viên HTX Cây Trôm, chia sẻ: “Tham gia vào HTX, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, được hỗ trợ phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Hiện tôi quen với cách canh tác này nên toàn bộ 15ha lúa của gia đình tôi đều được canh tác theo hướng hữu cơ. Với phương pháp này, tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng khoảng 4-5 triệu đồng/ha”.

Thông tin từ HTX Cây Trôm, từ 30ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ ban đầu, đến nay, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX được mở rộng lên 220ha. Các diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ đều được bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Để tạo điều kiện mở rộng vùng nguyên liệu, các ngành chức năng tỉnh đã hỗ trợ HTX đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như đường đi, trạm bơm, máy móc, nhà xưởng,... Đây cũng là điều kiện để HTX tiếp tục thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm”.

Có thể thấy, mô hình canh tác theo hướng hữu cơ của HTX Cây Trôm là hướng đi bền vững, bởi đây là biện pháp canh tác hoàn toàn phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay. Đồng thời, việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất lớn đã góp phần giải quyết bài toán đầu ra, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích