Huyện Mộc Hóa phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn có 6.400ha lúa ứng dụng công nghệ cao
Tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện
Tiếp thu Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 14/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025”, Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Hóa tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai, quán triệt trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là các xã nằm trong vùng Dự án gắn với Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 06/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Nâng chất Chương trình nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”.
Đồng thời, huyện chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động để đoàn viên, hội viên đồng thuận hưởng ứng, tích cực tham gia chương trình. UBND huyện thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Tổ thực hiện mô hình Chương trình và phê duyệt Kế hoạch xây dựng mô hình nhân rộng lúa ƯDCNC vụ Đông Xuân 2021-2022 và vụ Hè Thu năm 2022, duy trì các mô hình giai đoạn 2016-2020 đối với cây lúa cho các hộ dân trong vùng Dự án.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2021, tổng diện tích gieo sạ lúa trên địa bàn là 43.929ha. Năng suất bình quân cả năm đạt 60,9 tạ/ha, đạt 103,7% kế hoạch, cao hơn 1,7 tạ/ha so với năm 2020. Sản lượng lúa cả năm đạt 265.990 tấn, đạt 106,3% kế hoạch huyện, đạt 108,5% so với Nghị quyết Huyện ủy và đạt 104,7% kế hoạch tỉnh giao, tăng 102,2% so với năm 2020. Trong đó, diện tích lúa ƯDCNC là 5.487ha, sản lượng đạt 32.912 tấn.
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai 4 mô hình với diện tích 572ha: Mô hình Hỗ trợ 50% giá lúa giống; Sản xuất lúa theo hướng VietGAP; Cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị lúa gạo tại ấp Hương Trang (xã Bình Hòa Trung) và Vùng sản xuất lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu (ấp Hương Trang).
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mộc Hóa - Dương Văn Tuấn cho biết: "Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC luôn được huyện chú trọng. Thời gian qua, huyện lồng ghép các chính sách hỗ trợ thuộc dự án VnSAT vào trong vùng quy hoạch, sử dụng ngân sách đầu tư 2 công trình với tổng vốn 2,8 tỉ đồng. Huyện cũng mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng trạm bơm điện trong vùng lúa ƯDCNC. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các vùng quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt việc sản xuất của người dân".
Phấn đấu có 6.400ha lúa ứng dụng công nghệ cao
Để đạt mục tiêu nghị quyết đề ra, hiện nay, UBND huyện Mộc Hóa chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, đề xuất danh mục công trình nhằm tranh thủ các nguốn vốn tỉnh hỗ trợ, kết hợp với ngân sách địa phương trong việc đầu tư hạ tầng thủy lợi trong vùng sản xuất lúa ƯDCNC. Cùng với đó, huyện thành lập Ban giải phóng mặt bằng nhằm vận động người dân hiến đất để thực hiện các công trình thủy lợi trong vùng lúa ƯDCNC giai đoạn 2021 - 2025 theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Nông dân gieo mạ trên khay để cấy lúa bằng máy
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Trung - Võ Thị Cẩm Tú thông tin: "Đến nay, có 17 công trình cống được xây dựng trên địa bàn xã, tổng nguồn vốn đầu tư trên 55 tỉ đồng. Người dân hiến trên 5ha đất, trị giá khoảng 7,2 tỉ đồng để xây dựng các công trình trong vùng dự án. Chỉ tính riêng năm 2021, xã được đầu tư nhiều công trình phục vụ sản xuất bền vững, ƯDCNC như cống T5 - Đòn Dong, T1 - Cải Tạo, trải nhựa đường cặp kênh Đường Bàng và đường cặp kênh Đòn Dong, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 40 tỉ đồng".
Được biết, xã Bình Hòa Trung thực hiện được 1.167ha lúa ƯDCNC. Hiện tại, xã tập trung quy hoạch mở rộng diện tích ƯDCNC tại ấp Bình Nam và Bình Trung. Thực tế qua các năm cho thấy, năng suất các diện tích trong mô hình cao hơn từ 1 - 1,5 tấn so với các diện tích ngoài mô hình, lợi nhuận chênh lệch từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Sửa (ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung) chia sẻ: “Tham gia vùng sản xuất lúa ƯDCNC, áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, nông dân tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, từ đó lợi nhuận tăng lên. Nông sản làm ra cũng sạch, an toàn hơn, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn”.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song việc tổ chức, thực hiện Chương trình đột phá về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện còn một số khó khăn như liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa chặt chẽ, tính bền vững chưa cao; trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế; kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về điện, giao thông, thủy lợi,...
Theo ông Dương Văn Tuấn, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình, huyện xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện, nhất là các hợp tác xã trong vùng dự án; chú trọng xây dựng các mô hình điểm để trình diễn, giới thiệu cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm và áp dụng nhân rộng; bảo đảm nông dân trong vùng quy hoạch được sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt cấp xác nhận trở lên.
Mặt khác, huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào quy trình sản xuất lúa ƯDCNC, nhất là áp dụng phương pháp cấy, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ, tưới nước tiết kiệm,...; thực hiện 100% diện tích quy hoạch được đê bao lửng khép kín và có ít nhất 1 hệ thống trạm bơm điện. Đồng thời, huyện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm lúa ƯDCNC, kết nối liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Mộc Hóa phấn đấu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người dân./.
An Kỳ