Đi lên từ gian khó
Là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2013), huyện Mộc Hóa (mới) đi lên từ xuất phát điểm thấp nhất khu vực và trong toàn tỉnh. Mặt bằng dân trí tương đối thấp, kết cấu hạ tầng KT-XH yếu và thiếu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Đổi thay rõ nét nhất của huyện Mộc Hóa trong 10 năm qua chính là hệ thống cầu, đường giao thông không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp (Trong ảnh: Khánh thành công trình cầu do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động hỗ trợ cho huyện)
Thông tin từ UBND huyện, thời điểm 10 năm trước, trên địa bàn chỉ có 24 doanh nghiệp nhỏ và trên 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; thu ngân sách cả năm chỉ đạt 16 tỉ đồng; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao;... Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hầu hết từ các địa phương khác điều động về, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do đa số mới được tuyển dụng.
Nhận thức được những khó khăn, thử thách, Huyện ủy Mộc Hóa tập trung lãnh, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo được nhiều chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. “Cùng với đó, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được củng cố, sắp xếp, kiện toàn phù hợp với tình hình thực tế của huyện.
Các chủ trương cho từng giai đoạn được xác định một cách đúng đắn và phù hợp như tập trung huy động nguồn lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ và du lịch, xây dựng cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mộc Hóa - Dương Văn Tuấn cho biết.
10 năm qua, thương mại, dịch vụ trên địa bàn có bước phát triển khá. Một số cửa hàng tiện ích được thành lập kết hợp các chợ truyền thống, nhất là chợ thị trấn Bình Phong Thạnh, tạo thuận lợi cho người dân mua bán, trao đổi hàng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Về tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề trang trí nội thất, xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm đã chuyển đổi quy trình công nghệ làm ra nhiều mặt hàng đạt chất lượng cao; nghề đan lục bình, may công nghiệp duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động với thu nhập ổn định.
Đến nay, toàn huyện có 882 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, 49 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động. Lĩnh vực du lịch từng bước khởi sắc. Năm 2022, các khu du lịch trên địa bàn huyện đón trên 31.600 lượt khách đến tham quan. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế và lúa vẫn là cây trồng chính. Do đó, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (sản lượng lúa năm 2022 là 255.077 tấn, đạt 103,27% Nghị quyết Huyện ủy). Chuyển đổi cây trồng tiếp tục được triển khai, thực hiện hiệu quả. Toàn huyện hiện có 731,6ha rau màu và 473,85ha cây ăn trái, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.
Huyện biên giới vươn mình
Từ một địa phương khó khăn về mọi mặt, song, được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Mộc Hóa gặt hái nhiều thành quả đáng phấn khởi. Nổi bật nhất là việc xây dựng, hoàn thành nhiều công trình với quy mô và kinh phí đầu tư lớn, làm cho bộ mặt của huyện thêm khang trang như trụ sở Huyện ủy, HĐND và UBND huyện; Bệnh viện Đa khoa huyện; cầu dây văng Bình Phong Thạnh; nhựa hóa Đường tỉnh 817;...
Nhiều công trình với quy mô và kinh phí đầu tư lớn được xây dựng, làm cho bộ mặt của huyện Mộc Hóa thêm khang trang (Trong ảnh: Cụm trụ sở Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Mộc Hóa)
Tổng giá trị sản xuất hàng năm của huyện đều tăng (năm 2019 đạt 1.683 tỉ đồng, năm 2020 đạt 1.820 tỉ đồng, năm 2021 đạt 1.878 tỉ đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước tăng qua từng năm (năm 2021 là 33 tỉ đồng, năm 2022 là 36 tỉ đồng). Giai đoạn 2013-2021, huyện huy động tổng nguồn vốn trên 930 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, các địa phương đã huy động khá tốt nguồn lực của nhân dân thông qua việc hiến đất, góp tiền và ngày công để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Năm 2019, xã Bình Hòa Trung đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2023, dự kiến xã Bình Thạnh hoàn thành thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, các xã đạt bình quân 15,67 tiêu chí NTM/xã.
Qua gần 3 năm triển khai, thực hiện Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 về Nâng chất Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao của huyện là 5.487ha, đạt 85,7%. Ông Dương Văn Nam (ấp 4, xã Bình Hòa Đông) chia sẻ: “Lợi nhuận của nông dân khi tham gia vào mô hình cao hơn bên ngoài từ 2,5-3 triệu đồng/ha/vụ, do giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Thời gian qua, hệ thống đê bao chống lũ kết hợp giao thông nông thôn cũng được đầu tư, giúp việc sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi”.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển rộng khắp và ngày càng thực chất. Từ chỗ hầu như chưa có gì, hiện tại, các ấp đều có nhà văn hóa để sinh hoạt, hội họp. Trên địa bàn huyện có 15/17 trường đạt chuẩn quốc gia; 6/6 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 7/7 xã, thị trấn được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; hộ sử dụng điện đạt 98,37%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,23%; hộ nghèo giảm còn 2,55%;... Công tác Đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh. Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, 10 năm qua, huyện vận động xây 180 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, tổng trị giá 6,7 tỉ đồng.
Về huyện Mộc Hóa trong ngày đầu xuân mới, không khó để chúng tôi nhận ra sự đổi thay trên mảnh đất 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng. Dù còn những khó khăn nhưng cả diện mạo nông thôn và đời sống người dân đã chuyển biến vượt bậc so với trước. Đặc biệt, hệ thống giao thông không ngừng được đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp, góp phần xây dựng NTM. Bà Nguyễn Thị Mum (ấp Gò Dồ Nhỏ, xã Bình Thạnh) bộc bạch: “Trước đây, khu vực này đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường đất, sỏi đỏ, nhỏ, hẹp nên mùa mưa lầy lội, mùa nắng thì bụi bay mù mịt. Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, đường được nâng cấp, mở rộng, trải nhựa sạch, đẹp, người dân mừng lắm!”.
Mùa xuân đến mang theo niềm tin và hy vọng về cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn bên dòng Vàm Cỏ Tây hiền hòa. Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển tuy chưa dài nhưng đủ để khắc ghi một “dấu ấn” quan trọng, đáng nhớ của huyện vùng biên nhiều gian khó nhưng cũng giàu tiềm năng và truyền thống. Những kết quả đã đạt sẽ là nền tảng để huyện Mộc Hóa tiếp tục bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, thực hiện ước mơ, khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Kỳ Nam