Nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh cho biết, khi bắt tay vào xây dựng trường CQG, huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất của một số trường chưa bảo đảm về diện tích mặt bằng, sân bãi, thiếu các phòng chức năng,... Vì vậy, khi có nghị quyết về xây dựng trường đạt CQG, huyện nỗ lực huy động nguồn lực xây mới, sửa chữa, nâng cấp các trường, lớp xuống cấp, bổ sung trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Đến nay, huyện có 13/18 trường (5 trường mẫu giáo, 6 trường tiểu học, 2 trường THCS) được công nhận đạt CQG, chiếm 72%. Điều phấn khởi, 100% trường đạt chuẩn không “nợ” về số phòng học, sách giáo khoa và tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học; các trường có học sinh (HS) bán trú đều bảo đảm điều kiện ăn, ở, dạy và học.
Sau khi được công nhận trường chuẩn, chất lượng dạy và học của Trường THCS Bình Hòa Đông ngày càng được nâng lên
Năm học 2018-2019, toàn huyện có 395 giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL); trong đó, 100% GV, CBQL đạt chuẩn về chuyên môn, 80% GV, CBQL trên chuẩn và 100% GV, CBQL đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị. Đạt kết quả này nhờ trong quá trình xây dựng trường đạt CQG, ngành giáo dục huyện luôn xác định tạo sự chuyển biến về chất lượng dạy và học là khâu quan trọng nên thường xuyên quan tâm, tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho đội ngũ GV, CBQL. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
“Thời gian tới, ngoài nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng 5 trường học còn lại đạt CQG, địa phương không ngừng nỗ lực vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sửa chữa, nâng cấp các trường học xuống cấp, bổ sung trang thiết bị dạy và học; phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 80% trường được công nhận đạt CQG theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh thông tin thêm.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Khuôn viên Trường THCS Bình Hòa Đông hiện có nhiều bồn hoa, cây xanh thoáng mát, tạo điều kiện cho HS học tập, vui chơi. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hòa Đông - Đặng Thị Hồng Giang phấn khởi: “Nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục huyện, trường được đầu tư, công nhận đạt CQG mức độ 1. Đây là điều kiện thuận lợi để trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông làm cơ sở để dạy học”. Nét nổi bật của ngôi trường có đầy đủ phòng học và phòng chức năng này là 100% GV chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của GV và HS; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, đồng thời kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS bảo đảm khách quan; tạo lập mối quan hệ tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội;...
Trường Tiểu học Bình Hòa Tây (điểm chính) được đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng trường chuẩn quốc gia
Đến Trường Tiểu học Bình Hòa Tây vào thời điểm này, ít ai nghĩ rằng, tập thể GV và HS của trường có thời gian dài dạy và học trong điều kiện hết sức khó khăn. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa Tây - Trần Hữu Danh cho biết, trường thuộc khu vực biên giới và có 3 điểm trường với hơn 440 HS. Để được công nhận đạt CQG, thời gian qua, trường được đầu tư 21 tỉ đồng; trong đó, điểm chính gần 13 tỉ đồng gồm 14 phòng chức năng, 6 phòng học và hàng rào. Năm học qua, trường nỗ lực triển khai các nội dung của phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, cuộc vận động Hai không, thi đua Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo,... Đặc biệt, GV và HS của trường tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua chăm ngoan, học giỏi, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, tham gia kế hoạch nhỏ. 100% HS của trường đều ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện - Phạm Thị Thái Thanh, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư khá đầy đủ nhưng hiện nay, địa phương lại thiếu lực lượng GV “cốt cán”. Hàng năm, GV có kinh nghiệm chuyển công tác nhiều làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình sách giáo khoa mới cũng như duy trì, nâng chất trường CQG./.
Phong Nhã