Tiếng Việt | English

11/08/2017 - 16:00

Mộc Hóa, Thạnh Hóa: Chủ động ứng phó với lũ

Những ngày này, ở các huyện Đồng Tháp Mười tỉnh Long An, đi đâu cũng nghe nông dân (ND) bàn chuyện nước lên, nước xuống, hết nhìn trời lại ngó xuống sông, dự đoán tình hình lũ để chủ động ứng phó. Tại các vùng phía hạ lưu của Đồng Tháp Mười: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, trên các cánh đồng, Kobe, xáng cạp hoạt động hết công suất để đắp bờ bao ngăn lũ, ND dùng máy bơm nước ra, hạn chế nước dâng lên gây thiệt hại cho lúa,...


Gia cố đê bao ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa

Mộc Hóa cơ bản hoàn thành đê bao ngăn lũ

Ông Lê Tấn Sang, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Đông cho biết: "Vụ Hè Thu năm nay, gia đình tôi sản xuất 10ha lúa thơm xuất khẩu. Mấy ngày nay, nước lên quá nhanh, xã vận động ND trong đê bao cùng thuê Kobe đắp bờ bao ngăn lũ. Trước mắt, mỗi hộ có ruộng đóng góp 500.000 đồng/ha để thuê Kobe múc đất đắp bờ bao; ruộng ai nấy dùng máy bơm bơm nước ra cứu lúa".

Cũng theo ông Sang, lúa của ông chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, ông đầu tư gần 200 triệu đồng. Tình hình này, 10ha lúa của ông thiệt hại ít nhất khoảng 30%.

Ông Nguyễn Văn Thạch - ND ấp 2, xã Bình Hòa Đông, trồng 5ha lúa trong đê bao cánh đồng hơn 150ha. Những ngày này, ông cùng với các ND khác ngày đêm túc trực ngoài ruộng để theo dõi tình hình thời tiết. “Ở đây, một số tuyến kênh cặp Đường tỉnh (ĐT) 817 chưa có đê bao nên nước từ sông Vàm Cỏ Tây vẫn có thể tràn vào ruộng” - ông Thạch cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Đông - Lê Văn Phân: "Đến nay, toàn bộ diện tích trên 2.800ha lúa Hè Thu của xã có đê bao xung quanh bảo vệ; tính đến thời điểm này, có hơn 50ha lúa được thu hoạch; dự kiến đến ngày 15-8, sẽ thu hoạch hết diện tích còn lại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ND". Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão xã phân công trực 24/24 nhằm kịp thời ứng phó với lũ và triều cường. UBND xã tích cực vận động người dân gia cố các tuyến đê bao lửng để phòng nước lên, có thể gây vỡ từng đoạn đê xung yếu.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mộc Hóa, từ khi lũ về, huyện huy động 60 Kobe và 4 xáng cạp, lắp đặt 6 máy bơm điện gia cố 85km bờ bao, bảo vệ lúa.


Lũ về trên cánh đồng xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa

Thạnh Hóa khẩn trương đắp đê bao lửng ngăn lũ

Đi dọc ĐT817 qua địa bàn các ấp Cả Sáu, ấp Đình, xã Thạnh Phước, hai bên đường, người dân thuê Kobe múc đất đắp bờ bao ngăn lũ. Ông Lê Văn Duy cùng gia đình ở ấp Cả Sáu gia cố bọng nước tuyến kênh cặp ĐT817. Ông cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn, nước chưa về nhiều; tuy nhiên, nhằm chủ động ứng phó với lũ, người dân cùng thuê Kobe đắp bờ ngăn lũ”. Đặc biệt, xã Thạnh Phước có trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu 300ha lúa ấp Đình đang ngày đêm hoạt động hết công suất để bơm nước ra kênh Tắc.

Cơn mưa nặng hạt kèm theo giông, gió mạnh những ngày đầu tháng 8 làm nhiều diện tích lúa của ND các xã: Bình Hòa Đông, Tân Thành, Tân Lập (huyện Mộc Hóa); Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa) bị ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất và tăng chi phí thu hoạch. Bà Dương Thị Mảnh, ngụ ấp Cả Đá, xã Tân Thành cho hay: "Nhiều đám ruộng khu vực ấp Cả Đá bị đổ ngã do mưa, bão. Nhiều đám ruộng gần sông Vàm Cỏ Tây, ấp Cả Nổ chưa có đê bao bị ngập nước".

Rằm tháng 7 nước có thể lên cao

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng, hiện nay, Phòng NN&PTNT khuyến cáo ND không vì nôn nóng mà bơm hết nước trong ruộng ra kênh vì khi gặp mưa hoặc có sự cố vỡ đê, nước tràn vào đồng ruộng kèm theo gió mạnh sẽ làm lúa ngã đổ, gây thiệt hại nặng nề cho ND.

UBND huyện cùng ban, ngành, đoàn thể vận động người dân gia cố đê bao, đề phòng nước lên nhanh, nhất là vào dịp rằm tháng 7 (lũ thượng nguồn đổ về cộng với nước triều dâng). UBND huyện Mộc Hóa đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khẩn cấp gia cố xây dựng tuyến đê bao, bảo vệ các xã chưa hoàn thiện đê bao: Tân Lập, Tân Thành. Đa số tuyến đê bao có chiều cao hơn mực nước hiện tại khoảng 5cm. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Cứu hộ, cứu nạn huyện Mộc Hóa: Trước mắt, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí, phương tiện để chủ động tham gia ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Huyện Mộc Hóa có gần 6.000ha có thể bị ảnh hưởng bởi lũ sớm, đặc biệt, gần 700ha tại xã Tân Lập có nguy cơ ngập rất cao vì khu vực này không có đê bao. Số diện tích lúa chưa thu hoạch khoảng 19.000ha. Dự kiến đến cuối tháng 8, huyện sẽ thu hoạch xong số diện tích lúa còn lại./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết