Ảnh minh họa: Internet
1. Chia tay người yêu, mối tình duy nhất từ năm lớp 11 đến khi tốt nghiệp đại học, không có bất đồng, cũng không hiểu lầm, càng không tổn thương nhau. Tóm lại chẳng có lý do gì. Hay tại yêu nhau lâu quá rồi hết rung động mỗi khi ở gần? Những lúc ngồi bên nhau hay đưa nhau đi chơi, chúng tôi cư xử với nhau như hai người bạn không hơn không kém. Hình như có cái gì sai sai. Tôi mơ hồ nhận ra đâu đó có gì bất ổn. Hiệu ứng nhàm chán? Hay đó chưa phải tình yêu mà chỉ là điều na ná? Không biết nữa, chỉ biết có một ngày anh bảo, hay mình chia tay đi, có vẻ như chúng ta không hợp nhau. Ừ thì không hợp, chỉ đơn giản vậy, lý do cho triệu triệu lượt chia tay. Không ủy mị, sướt mướt, tôi tạm thời không cần hẹn hò, không cần đưa đón. Tôi muốn được tận hưởng vui, buồn một mình và bằng lòng với lựa chọn đó. Bạn bè cứ hỏi thăm, đã có tình yêu mới chưa? Tình yêu hả? Chẳng hơn gì một trò tiêu khiển. Nghĩ cũng hay, ý nghĩ con người cũng vô thường. Ban đầu, tôi đã nghĩ yêu là có thể chết vì yêu nhưng bây giờ không còn chút niềm tin tối thiểu nào vào tình yêu nữa. Thứ tình yêu vĩnh cửu chỉ có trên màn ảnh. Cuộc sống có bao việc phải làm, tình yêu sẽ phải đứng sau những thứ cấp thiết khác.
Để quên đi mối tình, tôi xách ba lô lên núi làm cô giáo vùng cao. Tôi lên núi đúng vào dịp nhà thờ đang được xây cất - cách trường không xa. Thấy cô giáo lúng túng với kiểu sinh hoạt tạm bợ thiếu nước, thiếu nhà vệ sinh tự hoại, thiếu nhà tắm, nhà bếp,... mấy anh thợ hồ thường trêu, để anh xách nước giùm cho, để tối anh chở đi dạy phổ cập cho... Những lời trêu chọc như vậy chỉ khiến tôi mỉm cười chứ không lưu tâm.
Đội quân xây dựng có lời mời giao lưu, không phải một mà tới mấy lần. Nơi núi non hiu hắt, phải tự tìm trò tiêu khiển thôi. Hậu giao lưu sẽ là bữa cơm thân mật hoặc cà phê, có khi ôm guitar hát mộc. Ở bên phòng mình, tôi dễ dàng nhận ra chất giọng ấm áp của chàng trai đó - chàng trai chỉ nhìn theo tôi chứ chưa bao giờ buông lời chọc ghẹo. Tôi nghe giọng anh vì có lần gặp trên văn phòng nhà trường, anh đến gặp thầy hiệu trưởng để hỏi điều gì đấy về ranh giới trường học. Chặp lại nghe ai đó kêu qua chơi cho vui nhưng tôi nói bận. Tôi sợ qua trò chuyện với những người đang làm nhà thờ, đằng nào cũng nói đến đề tài đó, mà tôi thì không muốn khơi gợi ký ức.
Nhà tôi ở quê, cách mấy cây số có nhà thờ Đông Mĩ, chắc là to nhất xứ đồng. Từ nhỏ, tôi đã quen với tiếng chuông nhà thờ, quen với cảnh sáng chủ nhật giáo dân ăn mặc đẹp đẽ đi lễ. Noel năm nào tôi và mấy đứa trong xóm cũng đến nhà thờ lúc trời vừa xế chiều. Đêm Noel từng bừng, rộn rã. Tôi tò mò đi xem máng cỏ trong vách đá, đứng từ xa ngắm nhìn Chúa hài đồng, Đức mẹ… và dừng lại rất lâu bên cây thông. Tôi nhìn ánh sáng nhấp nháy trên cây thông bằng ánh nhìn mê đắm. Và những hộp quà xinh xắn treo tượng trưng trên cây thông nữa. Tôi có nhiều ước mơ mỗi lần nhìn cây thông lung linh huyền bí. Hồi đó, Noel nào tôi cũng tự cắt những tờ bìa, vẽ hình cây thông, ông già Noel, ghi câu chúc tặng mấy đứa trong xóm, cùng lớp. Tôi xem đó là niềm vui khi nhận lại từ bạn bè những lời cảm ơn.
Nhưng từ khi chia tay mối tình duy nhất, nhà thờ không gợi những kỷ niệm tuổi thơ mà chỉ gợi trong tâm trí những lần cùng anh đi đón Giáng sinh, nguyện cầu, ước mơ… Tất cả đã thành dĩ vãng. Cứ để mình sống mãi trong những ký ức buồn thì đó là một cuộc đời vô nghĩa, tôi muốn sống một cuộc sống khác.
2. Mùa đông trên núi lạnh, rất lạnh. Đêm hiu hắt, tiếng ếch nhái kêu nghe khắc khoải. Hôm trời lạnh đến tê cóng, sương phủ dày những con đường, mây âm u ghì sát trên đỉnh núi là ngày đội quân làm nhà thờ giao lưu với nội trú để về đồng. Chàng trai đó là ông thầu “con”, chàng nói, bàn giao nhà thờ là tới Noel liền, giáo dân ở đây sẽ có một Giáng sinh ấm áp. Rồi nói thêm, Noel, thầy cô đến nhà thờ chơi, nhỏ nhắn nhưng xinh xinh, anh em làm công trình này bằng trái tim, cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Xong buổi giao lưu, chàng bắt tay từng người ở nội trú, bảo có duyên sẽ gặp lại. Tới lượt tôi, khi bàn tay tôi nằm gọn trong bàn tay ấm áp và nụ cười nhiều ẩn ý của người con trai nửa lạ, nửa quen đó, tôi cảm thấy hối hận vì sự yếu đuối của mình.
Không còn tiếng gõ chành chạch đục đẽo và những tiếng cười nói inh ỏi nữa, những chàng trai về xuôi, trả lại sự tĩnh lặng cho xóm núi. Gần tới Noel, ngôi trường nhỏ trên đồi cũng rộn ràng sinh khí. Học trò hỏi: “Tại sao lại treo vớ bên bếp lửa và ghi lời ước thì nhận được quà của ông già Noel hả cô?”. Tôi bèn kể: Ngày xưa, tương truyền rằng, nhà kia có ba cô gái trẻ đến tuổi lập gia đình nhưng không có chàng trai nào dạm ngỏ vì gia cảnh quá nghèo. Đức giám mục Myra rất thương xót nên đã ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của ba cô gái. Những đồng tiền vàng rơi từ trên nóc nhà xuống đúng các đôi vớ mà các cô treo hong bên lò sưởi. Khỏi phải nói cũng biết rằng các cô vui mừng đến thế nào. Khi câu chuyện thần kỳ kia được lan truyền đi khắp nơi, ai ai cũng muốn mình trở thành người may mắn nên bắt chước ba cô gái treo vớ bên lò sưởi, hy vọng nhận được quà, đặc biệt là trẻ em. Học trò nghe xong rất phấn khởi. Nhưng một em bảo, không cần phải treo vớ bên bếp lửa, không cần phải ghi lời ước đâu, Noel này cứ tới nhà thờ, sẽ có quà của ông già Noel.
- Cô cũng tới nhà thờ chơi với tụi em nghen!
- Không, cô bận rồi.
Có một giọng nho nhỏ: “Sao lại không đi? Hay mày nhờ cô chở?”. “Cô đã bảo bận rồi mà!”. Tôi rất thính, những lời rón rén như vậy tôi đã nghe hết.
3. Chiều đó, em học trò tên Vũ muốn đến nhà thờ chơi Noel nhưng không ai đưa đi. Ngôi nhà gỗ nhỏ, đơn sơ, bừa bộn. Từ trong vách gỗ lọt ra bên ngoài những tiếng ho đặc sệt. Ngôi nhà chỉ có hai bà cháu. Học trò tôi đang ngồi trước cửa. Trong bóng tối, tôi vẫn thấy đôi mắt ướt nhòe. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc chở Vũ đến nhà thờ.
Nhà thờ đông. Giáo dân và rất nhiều người ngoại đạo tập trung ở sân. Tôi ngạc nhiên nhiều trước không gian này, cảm giác y như lạc vào một nơi nào đó vui nhộn, đẹp đẽ. Trước sảnh nhà thờ, trong bộ dạng thùng thình, phía sau mang chiếc túi to vật vã, dáng người rất quen. Những em học trò thấy cô giáo bèn chạy lại đứng xung quanh, khi giúp các em lên sảnh xếp hàng, tôi đờ người kinh ngạc vì nhận ra đôi mắt rất quen, ánh nhìn tôi đã gặp nhiều lần, lần này cũng lại dừng rất lâu trước đôi mắt tôi. Tôi bối rối, vội quay đi chỗ khác. Tôi sợ đôi mắt ấy, đôi mắt không ngớt thu hút người đối diện.
Khi quà cho các bé được phát xong, Vũ cầm tay ông già Noel lắc lắc hỏi:
- Sao không có quà cho cô giáo hả ông già Noel?
Tôi bất giác đỏ mặt. Thiệt đúng trẻ con, luôn đưa ra những câu hỏi làm người lớn trở tay không kịp. Thấy ông già Noel có chút lúng túng, tôi vội chữa cháy: Ông già Noel chỉ tặng quà cho trẻ em thôi! Không phải mình tôi nói mà tôi và ông già Noel cùng nói, nghe giọng, biết chắc là anh, tim tôi bỗng đập mạnh. Anh bảo với học trò, quà của cô giáo ông già Noel sẽ tặng nhưng ở một nơi khác chứ không phải ở đây. Bộ dạng tôi lúc ấy chắc khó coi lắm, đôi mắt tôi đã bán đứng tôi rồi. Dù mất bình tĩnh nhưng tôi vẫn cố gắng giữ cho vẻ mặt của mình thật bình thường. Nói xong, “ông già Noel” đưa tay qua xin được bắt, tôi rón rén đặt bàn tay mình nằm gọn trong lòng bàn tay anh, anh bóp tay tôi thật chặt./.
Nguyễn Thị Bích Nhàn