Tiếng Việt | English

18/02/2024 - 06:35

'Mồng chín vía trời, mồng mười vía đất'

Vài năm gần đây, nhiều người truyền tụng thông tin mùng mười tháng Giêng Âm lịch là ngày vía Thần Tài và tổ chức cúng kiếng, mua vàng cầu may,... Theo lễ tục người Việt, nhất là người Việt ở phương Nam được ghi nhận trong sách vở và thực tế, đó là ngày vía đất.

Xóm Cù Là xưa, nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang

Người Việt có truyền thống tôn trọng trời đất như thần linh, vua chúa các triều đại phong kiến đều có đàn Nam Giao để làm lễ tế cáo trời đất hàng năm. Mùng mười vía đất là lễ tục lâu đời của người Việt ở phương Nam thể hiện thành nếp sống và được ghi nhận trong sách vở.

Nhà nông cúng đất, cúng vườn, cúng ruộng

Sách Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895, phần giải nghĩa chữ Vía đã ghi nhận thành ngữ Mồng chín vía Trời, mồng mười vía Đất: Ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng thói tục hay cúng Trời, cúng Đất, hiểu là ngày Trời Đất sinh. Từ điển này hoàn toàn không ghi nhận ngày vía Thần Tài.

Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị

Ngày trước, người Việt phương Nam, mỗi nhà đều có một bàn thiên ở trước nhà và thắp nhang, cúng nước mỗi ngày. Bàn thờ thiên đơn giản chỉ là một bệ rộng năm tấc vuông, đặt trên đầu trụ cao hơn 1m, bên trên có bát hương, bình bông và 3 chung nhỏ. Mỗi tháng vào ngày rằm, mùng 1 thì có thêm bông tươi, trái cây, không phải loại cầu kỳ mà là những bông, trái thu hoạch trong vườn nhà như bông trang, bông điệp,... Nước cúng ở bàn thiên cũng chỉ là nước lã chứ không phải nước trà. Ngày nay, ở các vùng nông thôn vẫn còn duy trì việc thờ bàn thiên.

Trên Facebook cá nhân, tác giả Nguyễn Gia Việt có nhận định rất thấu đáo: “Người miền Nam cúng mùng 10 là cúng đất đai và tri ơn người mở đất chứ không phải vía Thần Tài”. Với nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở vùng đất khẩn hoang, vía đất là tập quán, phong tục thuần Việt. Thần Tài là niềm tin của người Hoa vốn có truyền thống giao thương buôn bán.

Nhà báo Tâm Chánh - nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị, người gốc miệt vườn Bến Tre, cũng chia sẻ rằng: “Cúng mùng 10 có lẽ từ tục cúng Thần Tài được Việt hóa thành cúng chủ thổ. Bà ngoại tôi giải thích quan niệm của ông bà xưa, đất này là đất mượn, đất khẩn nên cúng để xin được làm ăn, canh tác. Từ quan niệm này ra thành cúng vườn, cúng ruộng. Ở quê tôi, cúng vườn mùng 10 cũng là dịp khởi động mùa làm vườn, mùng 10 là kỳ khởi công móc mương, bồi vườn, dịp này nước sát. Quy trình nước sát để làm mương, bồi vườn là từ tháng Giêng đến tháng 5”.

Cuộc khẩn hoang là sự chung sức của 3 cộng đồng: Việt, Hoa, Khmer. Những người khẩn hoang đã tôn trọng hài hòa nhau từ xưng hô đến cả tín ngưỡng.

Theo trang web Di sản Hội An, nơi khởi đầu tiến trình khai hoang, người Hội An đa phần thờ ông Địa tại gia. Có nhà thờ ngài chung với Thần Tài ngay trên nền giữa nhà trong một cái khóm có dáng cái bàn; người khác, thường là không buôn bán lại phối thờ ngài chung nơi trang thờ Táo Quân gồm 3 vị: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ.

Ở phương Nam, bàn thờ thần Đất cũng đặt trên nền nhà, thường có tượng ông Địa chung với tượng Thần Tài. Ở những vùng đông người Khmer, người dân thờ ông Địa chung với ông Tà. Cũng có nơi người ta phân chia lãnh địa rạch ròi “ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”.

Sống cộng cư, tâm linh cộng đồng

Mới đây, trong chuyến điền dã tìm tư liệu cho phim tài liệu Hành trình cây lúa, nhà biên kịch Võ Đắc Dự phát hiện trong các đình, chùa ở miền Tây Nam bộ (phía Nam sông Hậu) thường có những miếu nhỏ thờ ông Địa, ông Tà!? Một vài miếu ông Tà cũng có cất cái miếu nhỏ riêng thờ ông Địa!? Mặt khác, lại có trường hợp tại xóm Cù Là xưa, nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang có miếu thờ ông Địa quy mô tương đối lớn, không kém một ngôi đình làng và nghi thức thờ phụng, lệ cúng cũng giống như cúng kỳ yên ở các đình thần.

Từ các sinh hoạt, nghi lễ dân gian cho thấy, thần Đất - ông Địa của người phương Nam khác biệt với Thổ Địa của người Hoa. Thổ Địa của người Hoa là quan chức cấp thấp của thiên đình, mang hia, đội mão, râu dài. Hình ảnh ông Địa của người phương Nam gần gũi với dân gian, áo vải, đầu trần, chân đất, vui tính, lạc quan, tốt bụng, giúp đỡ mọi người. Ông Địa luôn có mặt trong các đám múa lân cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ai gặp khó việc gì, chỉ cầu cúng ông Địa nải chuối là xong.

Hiện tượng thờ Ông Địa chung với Thần Tài hay ông Tà càng cho thấy yếu tố tâm linh tích cực, trong trẻo của người phương Nam. Trong cuộc sống cộng cư 3 dân tộc: Việt, Khmer, Hoa cùng khai hoang vùng đất mới, 3 thần nhân với niềm tin tâm linh thần Đất - ông Địa của người Việt, Thần Tài của người Hoa và ông Tà của người Khmer cũng hài hòa, tôn trọng nhau. Tôn trọng nhưng không làm mất bản sắc nên cộng đồng dân cư nào đông thì thần của cộng đồng ấy sẽ là trung tâm. Ông Địa của người Việt là chủ thể chính trong 3 ông thần được dân gian thờ cúng.

Thờ cúng cả cộng đồng khẩn hoang

Việc cúng vía đất mùng 10 tết hàng năm với nghi lễ đặc trưng, đơn giản là phong tục tốt đẹp của đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, lối sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong việc thờ cúng và nội dung vật cúng.

Đến nay, theo cổ lệ, bàn thờ Thổ Địa trong gia đình người phương Nam tuy chỉ 2 tượng ông Địa và Thần Tài nhưng cắm đến 5 cây nhang, khi cúng phải dọn 5 cái chén và chỉ có 3 đôi đũa.

Mâm cúng đất đai đầy đủ có 5 cây nhang

Truyền thuyết dân gian Nam bộ giải thích rất căn cơ việc bàn thờ này có 5 cây nhang và 5 cái chén là do nguồn gốc lịch sử cộng cư thời khẩn hoang. Bàn này thờ đến 5 vị gồm: Ông chủ Thổ (đất) có lẽ là bậc công thần mở mang khai khẩn vùng đất phương Nam. Hai vợ chồng ông chủ Ngưu (người Khmer) do vùng đất này ngày xưa của Khmer, 2 người còn lại là ông Địa của người Việt và ông Thần Tài của người Hoa.

Chỉ có 3 đôi đũa vì vợ chồng ông chủ Ngưu ăn bốc. Quy ước này rất rõ không chỉ trong ngày cúng vía mùng 10 tháng Giêng. Trong các lễ giỗ ở phương Nam, ngoài các mâm cúng ông bà, tổ tiên đều có mâm cúng đất đai riêng. Mâm này cũng bày 5 cái chén, 5 cây nhang và 3 đôi đũa.

Giả thiết về sự hài hòa của văn hóa cộng cư còn thể hiện trong đồ cúng. Theo truyền thống, mâm cúng vía đất gồm những món bắt buộc như sau: Bình bông, trái cây, 5 chung trà hoặc rượu hay nước lọc, giấy vàng bạc, gạo muối, trầu cau, thuốc xỉa, một điếu thuốc rê to bằng ngón chân cái, bộ Tam Sên gồm trứng, thịt luộc và tôm (có thể thay thế bằng cua, cá) biểu trưng cho tam giới thiên - thủy - địa, dĩa rau luộc, chén mắm nêm, con cá lóc nướng trui.

Dân gian giải thích rằng, trong đồ cúng thì phần mặn với dĩa rau luộc, mắm nêm là cúng cho vợ chồng ông chủ Ngưu. Trầu cau, thuốc xỉa, thuốc rê, cá nướng trui dành cho người mở đất. Giấy vàng bạc dành cho Thần Tài.

Qua vật phẩm cúng, ta thấy bậc tiền hiền trọng thị người chủ vùng đất xa xưa là vợ chồng ông chủ Ngưu. Mâm cúng dùng thực phẩm mà người bản xứ khi xưa ưa dùng. Người khẩn hoang thì ăn món quen thuộc, dân dã là cá nướng trui.

Điều quan trọng nhất là trong nội dung khấn vái không có chuyện cầu tài lộc cũng không vái ông Thần Tài. Người được khấn cúng là “đất đai viên trạch, tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai cơ” và nội dung cúng là tạ ơn khai phá, cầu xin phò trợ mùa màng. Câu cầu khẩn phổ biến với thần thánh của người phương Nam là “Quốc thới dân an, phong điều vũ thuận”.

Dù xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường nhưng giá trị truyền thống của vía đất vẫn nguyên vẹn. Cúng vía đất theo truyền thống sẽ kết nối hiện tại với lịch sử, con người và thiên nhiên, cá nhân và cộng đồng giúp người ta giữ niềm tin tâm linh cân bằng, hài hòa, hướng thiện./.

Anh Thư

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích