Anh Phan Văn Tú hiện còn nuôi 7 con ngựa
Nhớ một thời vó ngựa tung hoành
Đức Hòa từng là vùng đất nổi tiếng về nghề nuôi, huấn luyện ngựa đua. Ở đó có nhiều người nuôi cả chục con, nhiều gia đình xem nuôi ngựa là nghề truyền thống, nhất là khi trường đua Phú Thọ (TP.HCM) còn hoạt động, nghề nuôi và huấn luyện ngựa đua được xem là thời hoàng kim nhất. Thời điểm đó, có hộ thu nhập từ tiền bán ngựa mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngựa đua Đức Hòa rất nổi tiếng, bởi qua các giải thi đấu luôn giành được giải cao.
Gần 10 năm trước, về Đức Hòa, những chú ngựa cao lớn đứng gặm cỏ bên khoảng đất trống ven đường, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu hí vang, tung vó về phía trước trở thành hình ảnh quen thuộc. Cứ 4-5 giờ sáng, chủ lại đưa ngựa đi quần giò làm nhộn nhịp cả làng quê. Theo thống kê, có những thời điểm, số lượng ngựa ở Đức Hòa lên đến 3.000 con, trong đó có khoảng 1.000 ngựa đua. Trong đó, cái nôi nuôi ngựa là các xã: Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng, Đức Hòa Thượng, Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc. Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ xã Đức Lập Hạ kể lại: “Những con ngựa được chủ chăm sóc kỹ lưỡng từ chế độ ăn, uống, vệ sinh,... Ngựa con sinh ra đều được làm giấy khai sinh để biết nguồn gốc, tránh trùng huyết. Có con được chủ đặt cho những cái tên đẹp mỹ miều: Vân Anh, Giang Bảo Bảo, Ngưu Kim Anh, Pretty Boy, Pretty Girl,...
Nhưng rồi tháng 6-2011, trường đua Phú Thọ đóng cửa, những chú ngựa đua tung hoành ngang dọc một thời có giá hàng trăm triệu đồng bỗng bị cùm chân vì không còn “đất diễn”. Giá ngựa rớt xuống thê thảm, ngựa đua bán chỉ có giá ngang ngửa với bò vàng.
Dù rất muốn giữ nghề nuôi ngựa nhưng vì tốn kém nhiều chi phí nên nhiều người, kể cả những người có thâm niên nuôi ngựa 30-40 năm cũng không thể cầm cự được. Cứ thế, nhiều người bán hết ngựa cho vùng khác kéo xe, cho các khu du lịch làm cảnh, thậm chí bán thịt.
Theo người dân ở Đức Hòa, sau khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, người dân, doanh nghiệp cũng xin phép chính quyền mở các “hội thi” đua ngựa phong trào, tạo không khí vui vẻ. Thế nhưng, những hội thi đó cũng không còn được duy trì, hơn nữa, về giá trị kinh tế không còn nên nghề nuôi ngựa không thể hồi sinh.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa - Nguyễn Tấn Triều cho biết: “Trước đây, huyện có thống kê số lượng đàn ngựa trên địa bàn, nhưng mấy năm trở lại đây, nghề nuôi ngựa thoái trào nên cũng không cập nhật nữa. Theo phán đoán, ngựa nuôi ở địa bàn còn rất ít, có lẽ không đến vài trăm con”.
Kỳ Vọng
Sau thời gian vắng lặng, gần đây, Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương mở đường đua ngựa làm những người nuôi ngựa ở Đức Hòa hồ hởi. Mùng 1 Tết Đinh Dậu 2017, đường đua trong khu du lịch khai trương thi đấu, con ngựa có tên Giang Bảo Anh của ông Phan Văn Phì (57 tuổi), ngụ ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng đoạt giải tư ở chặng đua 1.200m. “Trước khi biết đường đua hoạt động, tôi đưa ngựa đi đăng ký, sau đó về đóng móng cho nó. Trong thời gian chờ thi, hằng ngày, tôi đưa ngựa đi tập luyện, sáng sớm đều đưa đi quần giò. Các chế độ như ăn, uống đều bảo đảm; ngựa còn thường xuyên được xoa bóp dầu, tắm rửa sạch sẽ” - ông Phì kể.
Ông Phan Văn Phì đưa con ngựa tên Giang Bảo Anh đạt giải tư trong cuộc thi tại trường đua trong khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) vào ngày mùng 1 tết - 2017 đi quần dò
Theo ông Phì, có người ngả giá gần 200 triệu đồng mua con ngựa Giang Bảo Anh nhưng ông không bán. “Nghe thông tin trong tháng 4 tới, đường đua ở Khu du lịch Đại Nam tổ chức giải, tôi dự định đăng ký đưa con ngựa này đi thi tiếp. Tôi sẽ rủ thêm một số người bạn ở Đức Hòa đưa ngựa đi thi” - ông Phì chia sẻ thêm.
Ông Huỳnh Minh Tân (45 tuổi), ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, có thâm niên gần 25 năm gắn với nghề nuôi ngựa. Với bầy ngựa còn duy trì nuôi 15 con, ông đang là người còn nuôi nhiều ngựa nhất huyện.
Theo ông Tân, năm 2010, trường đua Phú Thọ còn hoạt động, ông thu lãi gần 200 triệu đồng từ gầy đàn bán ngựa. Sau khi trường đua đóng cửa vào giữa năm 2011, giá ngựa xuống bèo bọt làm người nuôi như ông rầu rĩ. Thế nhưng, vì yêu ngựa nên ông duy trì nuôi trên 10 con và từ đó gầy đàn bán, dù lời ít hơn trước rất nhiều nhưng vẫn thấy vui. “Thế nhưng, từ hôm trường đua ở Đại Nam hoạt động, giá ngựa tăng mạnh. Mới cách đây mấy ngày, tôi vừa bán 3 con ngựa (3-4 tuổi) với giá 120-150 triệu đồng; trong khi trước đó chỉ có giá vài chục triệu đồng” - ông Tân cho biết.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đức Hòa - Phùng Văn Đức cho biết: “Từ ngày đường đua ở Khu du lịch Đại Nam khai trương, sáng sớm đi trên các tuyến đường trong huyện, tôi thấy những người nuôi đưa ngựa đi quần giò trở lại sau những năm chìm lắng. Điều đó cho thấy những tín hiệu vui đang làm "sống lại" nghề nuôi, huấn luyện ngựa ở địa phương”./.
Lê Đức