Tiếng Việt | English

16/07/2015 - 09:15

Mua sắm trực tuyến “qua mặt” mua sắm truyền thống

“Khảo sát người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Xu hướng mua sắm trực tuyến” do CBRE công bố, cho thấy mua sắm trực tuyến đã vượt qua mua sắm truyền thống để trở thành hình thức mua sắm phổ biến nhất tại thị trường châu Á. Người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 đến 24 được gọi là thế hệ Z - giữ vai trò chủ đạo trong thị trường bán lẻ khu vực trong vài năm tới. Vì thế, các chủ đầu tư và nhà bán lẻ cần phải chủ động hơn nữa để duy trì ưu thế cạnh tranh.

Giá cả là yếu tố quyết định

Trong khi 50% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương vẫn trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng thì số liệu mới được công bố tại các thị trường mới nổi cho thấy rằng 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến như là cách mua hàng phổ biến nhất. Đây cũng là thực tế tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc (73%) và Đài Loan (55%).

Ông Jonathan Hsu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Các thị trường mới nổi thường thiếu hụt không gian bán lẻ chất lượng, đặt biệt ở các thành phố cấp thấp nhưng lại có lợi thế về công nghệ và hệ thống kho bãi, đồng nghĩa với việc bán lẻ trực tuyến là cách hiệu quả nhất cho các nhà cung cấp để tiếp cận được khách hàng”. Cùng với sự tiện lợi, giá cả cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng mua sắm trực tuyến - 63% người tham gia khảo sát cho rằng đó là yếu tố quyết định chính và đó cũng là câu trả lời của những người mua sắm tại cửa hàng.

Khả năng so sánh các sản phẩm mà không cần phải đi đến các cửa hàng hiện hữu là một nhân tố quan trọng khác thúc đẩy người tiêu dùng trong khu vực khi mua sắm trên mạng. Xu hướng này ngày càng thể hiện rõ hơn tại các thị trường mới nổi với những trung tâm mua sắm hoặc thương hiệu cao cấp thường nằm cách xa nhau như Việt Nam (64%), Trung Quốc (61%) và Ấn Độ (58%).


Mua sắm trực tuyến đang ngày càng được ưa chuộng nhờ tiện lợi Ảnh: CTV

Thế hệ Z: Thách thức mới cho các nhà bán lẻ

Thế hệ Z được kỳ vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường bán lẻ trong những năm tới khi mức thu nhập của họ dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng khi gia nhập vào thị trường lao động.

Để thích ứng với thời đại số, nhà bán lẻ và chủ tòa nhà cần chủ động hơn trong quá trình gia tăng tương tác với khách hàng. Giao dịch qua điện thoại di động là một công cụ khá phù hợp ở các thị trường mới nổi và tại nhiều nơi, điện thoại thông minh là thiết bị đầu tiên, đôi khi cũng là thiết bị duy nhất, cho phép người tiêu dùng truy cập internet từ bất cứ địa điểm nào. Do đó, thiết bị này đóng một vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy nhịp tăng trưởng của ngành bán lẻ trực tuyến. Các ứng dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hành vi tiêu dùng của khách hàng, cụ thể như: ứng dụng hiển thị sản phẩm trên các mạng xã hội dựa theo lịch sử mua sắm, thành phố sinh sống và sở thích của khách hàng, từ đó mang đến trải nghiệm mua sắm tương thích và độc đáo cho từng cá nhân.

Trên toàn châu Á, gần 70% người tiêu dùng đến cửa hàng để nhận sản phẩm đã đặt trực tuyến và có tới 90% số này mua thêm sản phẩm khác trong quá trình này. Đây là một cách hiệu quả để tăng doanh số bán hàng tại quầy, từ đó đồng bộ hóa môi trường bán hàng trực tuyến với môi trường bán hàng trực tiếp. Đây cũng là một tham khảo thú vị cho các nhà bán lẻ hoạch định chiến lược bán hàng đa kênh.

Thảo Nguyên/Người Lao Động

Chia sẻ bài viết