Tiếng Việt | English

24/01/2017 - 11:09

Mùng ba Tết thầy

Ông bà ta dạy: “Mùng một tết cha; Mùng hai tết mẹ; Mùng ba tết thầy”. Nhưng, không nhất thiết phải là một ngày nào quy định sẵn, “mùng ba” đó có thể là một ngày bình thường, và những đứa học trò xưa quyết định tìm về thăm thầy, cô giáo cũ.

Anh Dương Hoàng Hiệp, cựu học sinh (HS) Trường THPT Lê Quý Đôn - Chuyên Long An kể với chúng tôi rằng, trong ký ức của anh, thầy, cô giáo Trường THPT Lê Quý Đôn ngày trước như người cha, người mẹ thứ hai. Mà không riêng gì anh, hầu như cựu HS nào của Trường THPT Lê Quý Đôn xưa cũng đều có chung cảm nhận. Mặc dù hàng năm, Hội Cựu HS Trường THPT Lê Quý Đôn - Chuyên Long An đều tổ chức họp mặt tại TP.HCM, mời thầy, cô cũ đến nhưng có lẽ, hồi ức chỉ thực sự sống dậy khi các anh, chị nhìn lại từng chiếc bàn, ghế mà thầy, cô cố tình gìn giữ vì đó là kỷ niệm của nghiệp “đưa đò”.

Nhớ ơn thầy, cô, cựu học sinh góp phần tiếp sức các thế hệ đi sau (cựu học sinh THPT Tân An gây quỹ khuyến học cho trường)

Anh Hiệp kể: “Khi ghé nhà thầy Biết, tôi thích tìm chiếc chân bàn có chạm hình con sư tử mà tôi hay gác chân khi học toán cùng thầy. Ghé nhà thầy Hiệp, mọi người thích tìm chiếc bàn gỗ gầy còm như lũ học trò ngày trước. Còn ghé phòng “tía” Hòe, chúng tôi tìm chiếc ghế gỗ bóng loáng của thầy mà mấy chục thế hệ HS có dịp... ngồi trên đó. Biết ý học trò nên các thầy cũng hay giữ lại những kỷ vật ấy dù trông chúng có vẻ không phù hợp lắm trong một không gian mới. 20 năm trôi qua, nhưng những lần về lại, ký ức vẫn đong đầy”.

Gần 20 năm, các thầy, cô đã về hưu (có người đã mất), nhưng học trò xưa vẫn nhớ như in ngày tháng cũ. Hồi đó, thầy Lê Bạch Biết - khi còn là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, mỗi tối thường đến khu ký túc xá của HS mắc võng nằm hóng gió. Thầy tâm sự đủ chuyện trên đời với đám học trò nhỏ, từ chuyện gia cảnh từng em đến chuyện học hành.

Đó là cách thầy lo cho những đứa trẻ mới 15 tuổi phải xa gia đình, bắt đầu cuộc sống tự do, tự lập. Cứ thế, hình ảnh đó in sâu vào tâm trí các cựu HS. Và sau khi đã thành công trên bước đường đời, họ tìm về để được ngồi bên thầy, thân thương gọi thầy bằng “bố Biết”.

Các anh, chị không chỉ có “bố Biết” mà còn có “tía Hòe”, “bố Uyển”,... Đó không phải chỉ là danh xưng, đó là tình cảm thực sự của những “đứa con” dành cho “cha mẹ thứ hai” của mình. Cũng chính vì sự kính trọng đó mà các anh, chị cựu HS vẫn đến thăm gia đình thầy Trần Văn Uyển mặc dù thầy mất gần 10 năm! Họ thành kính thắp nén hương lên bàn thờ người từng hết lòng sống vì học trò của mình và nhớ lại lời dặn nghiêm khắc của thầy ngày trước: “Con về mà lo học hành. Sau này khi nào thành đạt rồi hãy về thăm thầy”.

Cũng chính vì sự tri ân đó mà hàng năm, cựu HS Trường THPT Lê Quý Đôn - Chuyên Long An đều tổ chức họp mặt, mời và đưa đón các thầy, cô cũ đến dự cùng bao thế hệ học trò của trường. Khi các thầy, cô về hưu, sức yếu thì Hội Cựu HS trường tổ chức thăm nom, giúp đỡ thầy, cô lúc khó khăn.

Trong những lần gặp mặt, viếng thăm như vậy, các anh, chị đều báo cáo với thầy, cô về những thành quả mà bao thế hệ HS trường đã đạt sau nhiều năm tốt nghiệp. Vì mọi người biết, với thầy, cô giáo, niềm vui và hạnh phúc chính là sự trưởng thành của HS mình từng dạy dỗ.

Anh Hiệp chia sẻ: “Ở mái trường xưa, chúng tôi không chỉ được truyền đạt kiến thức mà còn được sống trong một môi trường tốt, thầy cô, bạn bè như gia đình. Chính môi trường tốt rèn luyện nhân cách con người, giúp người ta trưởng thành hơn!”.

Cũng để thể hiện tình cảm đối với mái trường xưa, Hội Cựu HS Trường THPT Lê Quý Đôn - Chuyên Long An thành lập quỹ học bổng giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường, mỗi năm từ 5-10 trường hợp. Ngoài ra, các anh, chị còn hỗ trợ đóng học phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong 2 năm đầu đại học.


Không chỉ đến thăm thầy, cô cũ, hàng năm, cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn - Chuyên Long An đều tổ chức họp mặt, mời và đưa đón thầy, cô cũ đến dự

Cũng như bao nhiêu thế hệ HS khác, anh Nguyễn Xuân Quyết và cựu HS Trường THPT Tân An dành nhiều tình cảm cho trường cũ. Hàng năm, cựu HS trường đều tổ chức tặng học bổng tiếp sức HS nghèo đang theo học tại trường. Các anh, chị cũng thường xuyên về thăm lại thầy, cô giáo cũ nhân các dịp lễ, tết hoặc kỷ niệm.

Anh chia sẻ: “Mỗi dịp tết về quê, chúng tôi đều tập hợp nhóm nhỏ đến thăm thầy, cô. Cảm giác được ngồi lại bên thầy, cô thấy mình nhỏ lại. Anh em, bạn bè nhắc nhau nên làm điều gì đó có ý nghĩa cho thầy, cô và cho trường cũ”. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm Hội Cựu HS Trường THPT Tân An duy trì tặng 15 suất học bổng cho HS nghèo hiếu học mỗi năm, nhân các dịp 20-11, các anh, chị đại diện về thăm hỏi thầy, cô; thăm, tặng quà, giúp đỡ các thầy, cô về hưu có hoàn cảnh khó khăn.

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Tết đến, xuân về là dịp để bày tỏ lòng tri ân đối với tổ tiên, ông bà, thầy, cô giáo, vì nhờ có những công lao to lớn đó mà mỗi chúng ta mới có thể được như ngày hôm nay. “Mùng ba tết thầy” là câu nói nhắc nhau, để sống sao cho đúng với truyền thống ngàn đời tốt đẹp của người dân Việt./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết