Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack (giữa) tham quan máy phân tích tại Trung tâm Giám định gỗ Việt Nam ngày 17-4 - Ảnh: Twitter ông Thomas J. Vilsack
"Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ tầm nhìn chung về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack khẳng định trong cuộc gặp báo chí chiều 19-4 tại Hà Nội.
Mỹ sẽ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất lúa bền vững với Việt Nam
"Mỹ cam kết chia sẻ thông tin và cách canh tác tốt nhất giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Mỹ, chúng tôi đã đưa ra sáng kiến Đối tác vì các mặt hàng nông - lâm nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Vilsack nói.
Mỹ cũng sẽ thúc đẩy chương trình sử dụng phân bón phù hợp để vừa tăng năng suất vừa đảm bảo phát triển xanh.
Theo ông, sáng kiến này chuyên hỗ trợ cho nông dân Mỹ, song cũng có một số dự án rất phù hợp để chia sẻ và áp dụng tại Việt Nam. Ví dụ dự án giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo hiện đang được triển khai tại Mỹ.
Giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo là một trong những vấn đề Việt Nam đang theo đuổi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải vào năm 2030. Dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư ít nhất 40.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) cho mục tiêu này.
Trả lời câu hỏi về các hỗ trợ tài chính và công nghệ của Mỹ cho đề án trên, ông Vilsack cho biết đây cũng là vấn đề đã được nêu ra trong các cuộc thảo luận của ông với quan chức Việt Nam lần này.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ khẳng định nước này sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ tài chính cho đề án của Việt Nam, thông qua chương trình sử dụng phân bón hiệu quả và bền vững.
Hai bên cũng sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm canh tác thông qua các chương trình học hỏi giữa các chuyên gia Mỹ và Việt Nam.
Bộ trưởng Mỹ cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam cử đoàn đến tham dự Hội nghị AIM for Climate tại Washington D.C đầu tháng 5 tới. Đây là một ý tưởng của Mỹ nhằm đẩy nhanh các sáng kiến, đổi mới trong nông nghiệp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Hiện sáng kiến của Mỹ đã nhận được cam kết hỗ trợ ít nhất 10 tỉ USD cho các nước đang phát triển như Việt Nam về các kỹ thuật canh tác ứng phó biến đổi khí hậu. Sau hội nghị vào tháng 5 tới tại Mỹ, số tiền cam kết có thể còn cao hơn nữa.
Một số doanh nghiệp Mỹ cũng đang quan tâm đến mảng nông nghiệp tại Việt Nam, do đó cơ hội để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác bền vững là rất tiềm năng.
Nông dân thu hoạch lúa hè thu chất lượng cao tại tỉnh An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Việt Nam đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu
Khi được hỏi về vai trò của Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Vilsack chỉ ra thực tế Việt Nam là một quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.
Theo ông Vilsack, với thách thức từ biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ cần tạo ra lương thực với ít đất hơn, ít nước hơn và ít năng lượng hơn, từ đó sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Dân số thế giới đang gia tăng và chúng ta sẽ phải nghĩ cách làm thế nào để nuôi sống được ngần ấy người mà không tiêu tốn thêm nhiều nguồn lực. Tôi tin rằng bằng cách phối hợp cùng nhau và thông qua các đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể tăng năng suất để nuôi sống nhân loại theo cách bền vững nhất", ông chia sẻ.
Ông Vilsack cũng gợi ý Việt Nam nên tăng cường hơn nữa hệ thống pháp lý và quy định kiểm định, đảm bảo chất lượng lương thực một cách minh bạch.
Một khi điều này được đảm bảo, nông sản Việt Nam sẽ đi nhiều nơi hơn trên thế giới, đóng góp đáng kể cho đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu./.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack thăm Việt Nam từ ngày 16 đến 20-4. Ông chia sẻ đây là lần thứ ba ông đến Việt Nam, và mỗi lần như vậy ông đều cảm nhận được sự phát triển mới của Việt Nam.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương trước đó cùng ngày 19-4, ông Vilsack khẳng định chống biến đổi khí hậu là ưu tiên chung mới nhất trong mối quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ sau 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện.
Ông cũng nhắc đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), trong đó trụ cột thương mại bao gồm nông nghiệp.
Theo bộ trưởng Mỹ, IPEF sẽ giảm và tiến tới dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong mục tiêu này.
|
Theo TTO