Tiếng Việt | English

01/02/2023 - 14:46

Mỹ và Nga cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước New START

Hôm qua (31/1), Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa hai nước, khi ngăn chặn các cuộc thanh tra trên lãnh thổ Nga.

Ngay lập tức, Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Mỹ mới là bên vi phạm nghĩa vụ trước tiên khi cố tạo ra những điều kiện để có thể đơn phương thực hiện quyền thanh sát với Moscow.


Tên lửa được phóng từ hệ thống S-400 của Nga tại căn cứ quân sự Ashuluk. (Ảnh: ITN)

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua báo cáo lên Quốc hội Mỹ, việc Nga từ chối tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra, ngăn cản Mỹ thực hiện quyền quan trọng theo hiệp ước NEW START và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga.

Lãnh đạo các ủy ban an ninh quốc gia tại Thượng viện Mỹ - cơ quan thông qua các hiệp ước, cảnh báo, việc Moscow không tuân thủ thực hiện NEW START sẽ ảnh hưởng đến các hiệp ước vũ khí trong tương lai. Dẫu vậy, giới chức Mỹ vẫn khẳng định sẵn sàng hợp tác với Nga để thực hiện đầy đủ hiệp ước này vì nó nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Bác bỏ ngay lập tức cáo buộc từ Mỹ,  Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện - ông Konstantin Kosachev khẳng định, Mỹ mới là bên vi phạm nghĩa vụ với NEW START trước tiên. Ông Kosachev chỉ trích Mỹ đã cố tạo ra những điều kiện, để có thể đơn phương thực hiện quyền thanh sát với Nga. Và hành động này là không thể chấp nhận được đối với Nga, bởi cơ chế kiểm soát được quy định trong Hiệp ước là hoàn toàn cân bằng.

Trước đó, những cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về việc nối lại hoạt động thanh sát theo quy định của Hiệp ước New START dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022 tại Ai Cập, song phía Moskva đã hoãn đàm phán vô thời hạn, với lý do không thể đàm phán trong trường hợp Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga .

Cách đây 2 ngày (30/1), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết có thể xảy ra trường hợp không đạt được hiệp ước thay thế New START sẽ hết hạn vào tháng 2/2026. Ông nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp này, tuy nhiên tốt nhất hai bên nên nối lại đàm phán về ổn định chiến lược và bắt đầu đàm phán về một hiệp ước mới.

Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh, Mỹ cần hiểu rằng sẽ không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nếu không từ bỏ chính sách hiện nay và sẵn sàng đàm phán trên cơ sở tôn trọng và tính đến lợi ích của nhau trong quan hệ quốc tế, trong đó có ổn định chiến lược. Tuy nhiên, thực tế, Mỹ lại đang cố gắng gây ra “thất bại chiến lược” cho Moskva ở Ukraine.

Hiện New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ; đã được gia hạn hiệu lực tới năm 2026. Việc cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước diễn ra trong bối cảnh thế giới lo ngại về một cuộc tranh hạt nhân có thể xảy ra khi cuộc xung đột tại Ukraine “vượt tầm kiểm soát”.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển bộ ba hạt nhân và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, vì lá chắn hạt nhân đã và vẫn là yếu tố bảo đảm chính cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Nga".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng từng cảnh báo, nếu một cường quốc hạt nhân chịu thất bại trong một cuộc chiến thông thường, thì điều đó có thể khiến một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra. Các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ thua trong các cuộc xung đột lớn mà số phận của chúng phụ thuộc vào các cường quốc này. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Nga sẽ làm hết sức để một cuộc chiến tranh hạt nhân không xảy ra.

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải thừa nhận, các nước phương Tây đang hỗ trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine, tuy nhiên các hoạt động cung cấp vũ khí này không được phép dẫn đến tình trạng xung đột leo thang./.

Đình Nam/VOV

Chia sẻ bài viết