Tiếng Việt | English

21/05/2020 - 08:22

Năm 2020, Long An dành 3 tỉ đồng cho chương trình Xúc tiến thương mại 

UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt kế hoạch chương trình Xúc tiến thương mại năm 2020 với nguồn kinh phí 3 tỉ đồng và giao Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể từng chương trình để triển khai thực hiện.

 

Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2019 do Sở Công Thương tổ chức cho hợp tác xã tham gia để quảng bá, giới thiệu nông sản tại TP.HCM 

Theo đó, chương trình Xúc tiến thương mại do Sở Công Thương chủ trì với kinh phí 1,5 tỉ đồng; 1,5 tỉ đồng còn lại do Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chủ trì. 

Theo đó, trong năm 2020, chương trình tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh. Qua đó góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các sản phẩm nông sản thực phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế.

Chanh không hạt là một trong những sản phẩm được tăng cường quảng bá trong năm 2020 nhằm nâng cao lợi thế thương mại

Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức có hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo huyết rồng Long An, nếp Long An, thanh long Long An, khóm Bến Lức, dưa hấu Long An, chanh không hạt Long An, đậu phộng Đức Hòa, chuối Fohla, ổi Đức Hòa, cốm ngò Cần Giuộc, mắm cá lia thia Đức Huệ, bánh tét Thủ Thừa, trống Bình An,... Các hoạt động này nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao lợi thế thương mại, tạo điều kiện cho các mặt hàng của tỉnh chiếm lĩnh, khẳng định vị trí trên thị trường nội địa thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình xúc tiến thương mại năm 2020 cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng. Khuyến khích phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh riêng, có khả năng thâm nhập và tạo thị phần ổn định trên thị trường, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết