Tiếng Việt | English

25/01/2022 - 10:38

Năm 2022, Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực

Từ ngày 01/01/2022, Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) ở một số lĩnh vực như kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng; giao thông đường thủy nội địa; xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;...

Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện vi phạm nồng độ cồn bị phạt đến 35 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện vi phạm nồng độ cồn bị phạt đến 35 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng bị phạt tiền hoặc cảnh cáo

Ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 137/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng. Theo đó, NĐ này quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt VPHC, thẩm quyền lập biên bản VPHC trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (sau đây gọi tắt là lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng).

NĐ này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng; người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt VPHC, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc thanh, kiểm tra và xử phạt VPHC trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng.

Các hình thức xử phạt VPHC: Cảnh cáo, phạt tiền. Các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh) có thời hạn; tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC.

NĐ này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện vi phạm nồng độ cồn bị phạt đến 35 triệu đồng

Ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành NĐ số 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, mức xử phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định (khoản 1, Điều 15 NĐ), tăng mức phạt và quy định cụ thể hơn đối với các hành vi trang bị không đủ thiết bị, dụng cụ an toàn, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thiết bị neo đậu, liên kết phương tiện; hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân tại khoản 1, Điều 16); hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện cũng bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng (Điều 34); mức phạt cao nhất đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn lên đến 35.000.000 đồng (Điều 21)…

Bổ sung các hành vi vi phạm về xây dựng kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà, phong điện, nhiệt điện, thủy điện, công trình vượt qua luồng trên không, dưới đáy luồng; các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao nhằm đảm bảo phù hợp với nội dung NĐ số 08/2021/NĐ-CP, ngày 28/01/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, NĐ số 48/2019/NĐ-CP, ngày 05/6/2019 về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước...

NĐ này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. NĐ này thay thế NĐ số 132/2015/NĐ-CP, ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Cá nhân là người nước ngoài có thể bị trục xuất tùy theo mức độ của hành vi vi phạm

Ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành NĐ số 142/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Theo đó, cá nhân là người nước ngoài có hành vi VPHC trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý VPHC.

Người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có quyền: Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được yêu cầu có người phiên dịch khi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền; được thực hiện các chế độ quy định tại NĐ số 65/2020/NĐ-CP, ngày 10/6/2020 quy định về tổ chức và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về nghĩa vụ của người bị trục xuất: Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định xử phạt VPHC có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất; nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có); hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

NĐ này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.

Minh Đăng - Phan Đức Bộ(lược trích)

Chia sẻ bài viết