Để nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên là nhân tố quan trọng
Chất lượng giáo dục THPT năm học 2016-2017 tăng
Tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 48 trường THPT, trong đó có 5 trường tư thục. Theo báo cáo tổng kết giáo dục trung học năm học 2016-2017 của Sở GD&ĐT, chất lượng giáo dục cấp trung học ổn định, có tính bền vững. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước đến nay (99,89%) và hiệu quả đào tạo đạt 88,52%. Đạt kết quả trên, ngành GD&ĐT thực hiện nhiều giải pháp nâng chất lượng: Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học giúp học sinh (HS) tích cực tham gia học tập và tiếp thu kiến thức; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS;...
Ngoài ra, các trường cũng quan tâm thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm giúp HS vận dụng kiến thức các môn học vào thực tiễn cuộc sống. Kết quả, HS đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn dành cho HS trung học và cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho GV đoạt nhiều giải cao. Bên cạnh đó, thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia đoạt 5 giải khuyến khích. Tuy nhiên, kết quả thi HS giỏi văn hóa cấp quốc gia chưa đạt hiệu quả. Năm học 2015-2016, tỉnh đoạt 7 giải HS giỏi văn hóa cấp quốc gia, năm học 2016-2017 chỉ còn 1 giải.
Nhằm nâng chất lượng giáo dục trung học, theo Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp, năm học 2017-2018, ngành tập trung những nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trung học; nâng cao chất lượng đội ngũ GV là then chốt; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục trung học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phương thức dạy học lấy hoạt động học của HS làm trung tâm, gắn giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS trung học và phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia trong các kỳ thi, học sinh phải tự nghiên cứu; giáo viên phải có kinh nghiệm và liên tục cập nhật, trau dồi kiến thức, nắm bắt xu hướng ra đề để bồi dưỡng học sinh
Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên
Cấp THPT hiện có hơn 3.370 GV tham gia giảng dạy đều đạt chuẩn theo quy định. Ông Nguyễn Thanh Tiệp cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ GV là quan trọng nhất, quyết định chất lượng giáo dục. Ngành chỉ đạo cán bộ quản lý không chỉ là người quản lý nhà trường mà còn là quản trị nhà trường; giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường. Còn GV phải đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, lấy hoạt động - việc học của HS làm trung tâm. Ngoài ra, GV phải tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng chất lượng giảng dạy”.
Thời gian qua, ngành phối hợp các đơn vị mở lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho GV như tập huấn kỹ thuật ra đề thi trắc nghiệm một số môn. Trong hè năm học 2016-2017, sở phối hợp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở 13 lớp tập huấn về kỹ năng giảng dạy HS theo hình thức thi trắc nghiệm. Đồng thời, cử GV cốt cán tham gia lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, tổ chức tập huấn lại cho toàn thể GV THPT của tỉnh về phương pháp dạy học và phương pháp hướng dẫn HS tự học.
Ở Trường THPT Hậu Nghĩa, Hiệu trưởng - thầy Trần Văn Truyến cũng cho rằng, để nâng chất lượng giáo dục, cần có đội ngũ GV tốt. “Vì vậy, GV của trường không ngừng tự bồi dưỡng, học tập. Hiện tại, 80% GV dạy tiếng Anh của trường đạt trình độ C1 theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam, có 8 GV theo học cao học,... Ngoài ra, trường sẽ xây dựng đề án sàng lọc GV. Trong đó, HS sẽ đăng ký GV giảng dạy theo thứ tự ưu tiên để qua đó, trường đánh giá được mức độ hài lòng của HS với GV cũng như chất lượng giảng dạy” - thầy Truyến cho biết thêm.
Ngoài nâng cao năng lực chuyên môn, ông Nguyễn Thanh Tiệp còn nhấn mạnh: Đội ngũ GV cũng cần rèn luyện phẩm chất đạo đức gắn với Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kế hoạch 462/KH-SGDĐT của Sở GD&ĐT thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Bên cạnh nâng cao chất lượng đội ngũ GV về năng lực và phẩm chất, việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn sẽ thực hiện theo hướng nâng chất lượng với nội dung thiết thực nhằm nâng cao chất lượng môn học, dạy học theo chủ đề, tổ chức tiết dạy theo nghiên cứu bài học.
Ngoài ra, Hội đồng bộ môn của sở gồm những GV cốt cán của các trường THPT sẽ hỗ trợ xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề ra giải pháp. Năm học 2016-2017, giải pháp “Chống điểm liệt” được thực hiện hiệu quả; dự kiến, năm học 2017-2018 sẽ nâng lên thành giải pháp “Chống điểm dưới 5”. Các giải pháp nâng chất lượng trung học sẽ được bàn bạc và thống nhất trong hội nghị chuyên môn đầu năm học.
Những tiết học gắn với trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn cuộc sống
Nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn
Để cung cấp nguồn nhân lực cao cho tỉnh, Trường THPT Chuyên Long An được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ GV nhằm nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn. Nhưng, thời gian qua, tuy tỷ lệ trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học mỗi năm đều cao nhưng tỷ lệ HS giỏi trong kỳ thi quốc gia còn ít. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - thầy Trần Văn Chín, phương án thi THPT quốc gia thay đổi ít nhiều ảnh hưởng tâm lý HS. Các em tập trung kỳ thi này để xét vào đại học nên chưa “mặn mà” với các kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia. Mặt khác, GV trẻ dưới 30 tuổi của trường chiếm 45%, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho HS giỏi.
Em Bùi Đ.T. - HS lớp 12T1, Trường THPT Chuyên Long An, chia sẻ: “Đề thi HS giỏi cấp quốc gia đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu. Vì vậy, để đoạt giải quốc gia, HS phải tự nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn. Thầy cô phải có kinh nghiệm và liên tục cập nhật, trau dồi kiến thức, nắm bắt xu hướng ra đề để bồi dưỡng HS”.
Năm học 2017-2018, trường xác định đẩy mạnh đào tạo liên kết bồi dưỡng HS giỏi và đào tạo GV. Năm học 2016-2017, trường đưa 20 lượt HS giỏi tham gia lớp bồi dưỡng tại một số tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Cần Thơ. Năm học 2017-2018, dự kiến có 50 lượt HS giỏi sẽ được đưa đến tỉnh tham gia bồi dưỡng. Trường cũng tạo điều kiện để GV tham gia các lớp liên kết do chuyên gia trình bày. “Nếu năm học qua, việc mời chuyên gia đến trường trình bày các chuyên đề chỉ tập trung môn Tiếng Anh thì năm nay sẽ tăng cường gấp 3 lần đối với một số môn” - thầy Trần Văn Chín khẳng định.
Từng tham gia lớp liên kết do chuyên gia giảng dạy ở tỉnh Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu, cô Thi Hồng Hạnh - GV môn Toán, Trường THPT Chuyên Long An, chia sẻ: “Bồi dưỡng HS giỏi đối với GV trẻ chưa nhiều kinh nghiệm rất bỡ ngỡ. Để đáp ứng tốt, GV phải tự nghiên cứu kiến thức chuyên sâu. Ngoài ra, tham gia những lớp liên kết do chuyên gia trình bày là điều cần thiết vì qua đó, GV nắm bắt kiến thức, chương trình mới cũng như xu hướng ra đề thi HS giỏi cấp quốc gia. Từ đó, việc bồi dưỡng HS giỏi sẽ tốt hơn”.
Đề án trường THPT phát triển theo định hướng chất lượng cao, thực hiện ở Trường THPT Hậu Nghĩa và THPT Lê Quý Đôn cũng là “bạn đồng hành” trong việc đào tạo mũi nhọn cùng Trường THPT Chuyên Long An với đội ngũ GV giảng dạy giàu kinh nghiệm.
“Nhưng không vì nhiều kinh nghiệm mà chủ quan. GV phải liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng dẫn HS tự học. GV cần sưu tập đầy đủ các đề thi để có định hướng dạy phù hợp. Ngoài biết, HS phải hiểu và vận dụng kiến thức vào thực tiễn và trả lời câu hỏi mở rộng, tư duy theo từng cấp độ. Để đáp ứng điều này, GV không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, phát hiện và lập đội tuyển bồi dưỡng HS giỏi ngay từ lớp 10. GV cần không ngừng nghiên cứu, đào sâu kiến thức mới có thể đủ năng lực bồi dưỡng các em” - cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa - GV môn Hóa học, Trường THPT Hậu Nghĩa, bộc bạch.
Nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT tuy cần nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất vẫn phải bắt đầu từ nâng chất đội ngũ GV./.
Thùy Hương