Tiếng Việt | English

02/01/2018 - 21:24

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Doanh nghiệp “khát” đất sạch

Long An đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) đầu tư ƯDCNC đang gặp khó khăn, nhất là “khát” đất sạch.

Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Đức Huệ)

Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Đức Huệ)

Nhiều tâm huyết

Với ưu thế và kinh nghiệm về mô hình chăn nuôi khép kín, Công ty (Cty) TNHH Chăn nuôi Phú Gia Long An (thành viên Cty Cổ phần Ba Huân) mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi gà thịt công nghệ cao theo mô hình khép kín tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, trên diện tích khoảng 25ha. Quy mô tổng đàn năm 2017 trên 2,5 triệu con. Hiện tại, sản phẩm gà do Cty chăn nuôi được giết mổ tại Cty TNHH Ba Huân và bán qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống thức ăn nhanh.

Công nghệ chăn nuôi tại Cty được tự động hóa toàn bộ trong các khâu: Vận chuyển gia cầm tự động, hệ thống máng uống tự động, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn, vận chuyển phân tự động. Hệ thống chuồng nuôi gà là chuồng kín, điều hòa nhiệt độ, chiếu sáng, vệ sinh khử trùng. Đặc biệt, DN có chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn, chuyển giao công nghệ; phòng bệnh gia cầm bằng vắc-xin thay cho sử dụng thuốc thú y. “Tất cả những gì mà Ba Huân làm ra hiện nay đều là tâm huyết, mong muốn người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, đây cũng là chiến lược phát triển lâu dài, bền vững nhằm duy trì chuỗi thực phẩm an toàn” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Ba Huân - Phạm Thị Huân chia sẻ.

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây con giống với số tiền gần 200 triệu đồng. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: “Ngoài kinh phí do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, HTX đầu tư thêm khoảng 400 triệu đồng để hoàn chỉnh vườn ươm dạng nhà màng nhằm cung cấp con giống chất lượng, sạch bệnh, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất khi thu hoạch và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Cần - thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa: “Hiện nay, nông dân mong muốn tham gia chuỗi sản xuất rau sạch, ƯDCNC để tăng năng suất và thu nhập. Nếu được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, con giống và đầu ra ổn định, nông dân quyết tâm thực hiện đúng cam kết giữa các bên”.

Doanh nghiệp “khát” đất sạch

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo chia sẻ: “Thời gian qua, có gần 40 DN đến Thạnh Hóa tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; trong đó, chủ yếu là sản xuất, chế biến nông sản. Nhưng hầu hết đều vướng thủ tục đầu tư, quy hoạch sử dụng đất. Để thực hiện thủ tục này, DN phải đi tới, đi lui nhiều lần nên họ ngán ngại. Điển hình có nhà đầu tư đề xuất được hỗ trợ thỏa thuận địa điểm với diện tích từ 800-1.000ha để thực hiện trang trại sản xuất, vấn đề này vượt quá thẩm quyền UBND huyện”.

Để tiếp tục đầu tư khép kín chuỗi thực phẩm an toàn, Cty Cổ phần Ba Huân đang chuẩn bị các bước cuối cùng để mở rộng đầu tư sản xuất con giống công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỉ đồng, quy mô 50ha tại huyện Bến Lức. Tuy nhiên, ở dự án này, DN gặp không ít khó khăn trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Long An đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Mô hình thử nghiệm trồng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Khuyến nông)

Long An đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Mô hình thử nghiệm trồng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Khuyến nông)

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng: “Thời gian qua, rất nhiều DN đến Long An tìm hiểu môi trường đầu tư và có ý định đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC khi biết tỉnh triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quỹ đất sạch dành cho DN tham gia chương trình hầu như chưa có; vì vậy, DN khá khó khăn trong tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC".

Sớm tháo gỡ khó khăn

Để sớm tháo gỡ khó khăn, thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo đề nghị, huyện được quyền chủ động làm việc với các DN thực hiện các dự án có quy mô không lớn. Việc phân cấp quản lý nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm đi vào sản xuất. Ông cũng đề nghị, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, điều chỉnh các điều kiện để thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cty TNHH San Hà (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) đang thực hiện các bước để tiến hành mở rộng quy mô chăn nuôi gà sạch theo chuỗi khép kín. Theo Giám đốc Cty - Phạm Thị Ngọc Hà, trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC vốn cần nhưng không khó khăn nhiều, bởi có sự hỗ trợ từ ngân hàng để thực hiện. DN cần nhất là đất đai và đề xuất tỉnh tạo cơ chế để DN dễ tiếp cận.

Ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm: “Trong thu hút DNphát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, trước hết, cần có quỹ đất sạch. Hiện nay, DN thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung, do vậy phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ. Theo Luật Đất đai năm 2013, DN phải thỏa thuận mua bán hay thuê đất trực tiếp với dân nên họ gặp không ít khó khăn.

Trước việc DN “khát” đất sạch để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, UBND tỉnh chỉ đạo một số sở, ngành liên quan tập trung lập các thủ tục quy hoạch đất đai để thu hút, tiếp nhận nhiều dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC trong năm 2018. Đồng thời, tỉnh đang tiến hành nhân rộng mô hình “Nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” nhằm phát triển nông nghiệp bền vững./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết